Năm 2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin Covid-19

Bốn đơn vị trong nước đang chạy đua nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, bước đầu đã cho kết quả khả quan. Nếu Việt Nam chưa tự chủ được vắc-xin, Bộ Y tế cũng có cơ chế nhanh nhất để tiếp cận vắc-xin thế giới

GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết số mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không có vắc-xin thì khó có cuộc sống bình thường như trước đây.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 gồm Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen. Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin Covid-19 bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Tại hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc-xin Covid-19 vừa được Bộ Y tế tổ chức, đại diện Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận vắc-xin (PATH) tại Việt Nam cho biết hiện có 163 loại vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu, phát triển. Trong số này có 23 sản phẩm đã ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người), 140 sản phẩm còn lại đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vắc-xin của Việt Nam).

Nghiên cứu vắc-xin Covid-19 tại Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm y tế

Nghiên cứu vắc-xin Covid-19 tại Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm y tế

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết các nhà khoa học đang nỗ lực để có thể thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người vào đầu năm 2021. Dự án của VABIOTECH đã thử nghiệm trên chuột với 2 liều tiêm và có kết quả đáp ứng miễn dịch tốt.

Trong khi đó, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết mục tiêu của IVAC là sản xuất được vắc-xin Covid-19 có số lượng lớn lên tới hàng chục triệu liều với giá thành hợp lý. Vắc-xin được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự sản xuất vắc-xin cúm đại dịch A/H5N, có thể sử dụng nhà máy sản xuất vắc-xin cúm đại dịch hiện có của IVAC. Hiện IVAC đã gửi mẫu vắc-xin sang Mỹ để đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm. Dự kiến cuối năm 2020, đơn vị có thể thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người.

Hai nhà sản xuất còn lại cũng đang nỗ lực nghiên cứu, trong đó Công ty Nanogen cho biết đã sản xuất vắc-xin quy mô nhỏ dựa trên chủng virus Vũ Hán (Trung Quốc) và chủng đột biến, tháng 9-2020 sẽ thử nghiệm tiền lâm sàng.

Trong nỗ lực để sớm có vắc-xin ngừa Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định Chính phủ, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư cho những nghiên cứu đã có kết quả khả thi. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị rút ngắn thủ tục hành chính trong quy trình nghiên cứu, sản xuất, kiểm định, thử nghiệm vắc-xin.

Việt Nam hiện là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin, cũng là 1 trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc-xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. "Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vắc-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chuẩn bị những đề án mang tính đầu tư cũng như quỹ vắc-xin để làm sao người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng vắc-xin sớm nhất dù là trong nước tự sản xuất hay tiếp cận từ nước ngoài" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nam-2021-viet-nam-se-co-vac-xin-covid-19-20200723204541274.htm