Năm 2022 đầy thử thách của ông Biden
Sau kỳ nghỉ đông ngắn ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trở lại Nhà Trắng và đối mặt với một loạt thách thức như phép thử về năng lực chính trị, ngoại giao và quản trị của ông vào thời điểm quan trọng của nhiệm kỳ.
CNN chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 cùng với cuộc khủng hoảng liên quan đến Nga và nhiều bất trắc xung quanh những điểm ưu tiên trong nước đang chờ đón Joe Biden trong năm mới.
Quyết tâm "cài đặt lại" sau một loạt cuộc cạnh tranh và nhằm tái điều chỉnh những kỳ vọng mà một số đồng minh của Washington cho là phi hiện thực, Tổng thống Mỹ đương nhiệm hy vọng thời gian tới đây có thể tạo được động lực cần thiết khi một chu kỳ bầu cử khác bắt đầu vào guồng.
Tuần trước, Tổng thống Biden dành phần lớn thời gian ở bên ngoài Washington, bàn bạc về những ngày sắp tới qua điện thoại với các cố vấn và vạch ra các bước đi tiếp theo. Trong số đó có việc chuẩn bị cho bài phát biểu nhân dịp 1 năm xảy ra cuộc bạo loạn ở đồi Capitol ngày 6/1/2021 – sự kiện được ví như điểm nhấn nêu bật môi trường chính trị căng thẳng khi ông lên nắm quyền.
Năm 2021 được Tổng thống Biden và nhóm của ông xác định là năm tái thiết sau những xáo trộn của thời Donald Trump. Nó cũng gắn liền với một loạt thách thức làm xói mòn đáng kể vị thế chính trị của vị Tổng tư lệnh Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden giảm mạnh trong mùa hè vừa qua và từ đó đến nay vẫn chưa tăng trở lại.
Nền kinh tế Mỹ đã gặt hái được nhiều thành tích tốt, với một trong số đó là 6 triệu việc làm được tạo ra. Số người thất nghiệp giảm, trong khi các yếu tố khác cho thấy tăng trưởng gần đạt mức kỷ lục khi nền kinh tế phục hồi sau các đợt đóng cửa vì đại dịch.
Lẽ ra ông Biden đã có thể thông qua hai dự luật chính – gói cựu trợ Covid-19 và dự luật hạ tầng khổng lồ - cũng như thành công trong triển khai chương trình chủng ngừa đại trà cho hàng trăm triệu người Mỹ. Tuy nhiên, ông và các cố vấn đã tỏ ra thất vọng vì có quá nhiều thách thức, giống như việc rút quân khỏi Afghanistan trong hỗn loạn hoặc xu hướng lạm phát.
Hôm 30/11, Tổng thống Biden có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraina. Cuộc trò chuyện không làm rõ được việc liệu Moscow có ý định xâm lược Ukraina như phương Tây lo ngại hay không. Chủ nhân Nhà Trắng hiện đang hy vọng đàm phán ngoại giao ở châu Âu vào đầu tháng tới có thể giúp làm giảm bớt căng thẳng.
Bế tắc ở Ukraina là cơ hội để ông Biden sửa chữa uy tín chính sách đối ngoại vốn đã bị tổn hại bởi cuộc rút quân hỗn loạn và chết chóc khỏi Afghanistan mùa hè vừa qua, điều khiến nhiều đồng minh của Mỹ tức giận và dẫn đến câu hỏi về sự nhạy bén về ngoại giao của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhà Trắng cũng dự kiến sẽ công bố chi tiết xung quanh 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà miễn phí mà Tổng thống Biden đã cam kết với người dân Mỹ tuần trước. Làn sóng Covid-19 do biến thể Omicron gây ra đang phủ bóng mây đen lên kỳ nghỉ lễ của ông, khi cả nước Mỹ đang hứng chịu số ca nhiễm kỷ lục và bệnh viện ở một số nơi rơi vào tình trạng quá tải.
Trước khi khởi hành đến Delaware, ông Biden trò chuyện qua video với các thống đốc trên khắp nước Mỹ và đảm bảo ông sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp cho những bang cần đến, đồng thời thừa nhận nhiều thiếu sót trong chiến lược xét nghiệm.
Cùng lúc đó, Nhà Trắng bắt đầu chuyển hướng khỏi việc tập trung đếm số ca nhiễm như một thước đo về đại dịch. Tuần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ quyết định giảm nửa thời gian cách ly với người nhiễm Covid-19, một phần là do muốn giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động nếu nhân viên ốm. Bước đi này phản ánh cách ứng phó dịch bệnh của Mỹ sẽ theo xu hướng dần sống chung với một loại virus không có dấu hiệu sẽ biến mất hoàn toàn.
Một điểm nhấn nữa sẽ là Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden. Dự kiến được đưa ra vào đầu tháng 2, diễn văn này là cơ hội để ông Biden điều chỉnh kỳ vọng cho những tháng ngày sau đó. Nó cũng có thể là bài phát biểu cuối cùng của ông trước Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát ở cả hai viện.