Năm 2022: Khát vọng thể thao Việt Nam 'cất cánh'
Sau những khó khăn chung do dịch COVID-19, cùng với sự thích ứng linh hoạt của mọi mặt đời sống xã hội, thể thao Việt Nam đã từng bước có những bước chuyển mình đầy khả quan.
2022 là một năm đầy bận rộn với thể thao Việt Nam khi sẽ đăng cai tổ chức, tham dự hàng loạt những giải đấu lớn trong khu vực và thế giới, với những tín hiệu tốt, những niềm vui các vận động viên đem về ngay từ những ngày đầu năm, người yêu thể thao nói riêng, nhân dân nói chung kỳ vọng đây sẽ là một năm mà thể thao Việt Nam "cất cánh", gặt hái được nhiều thành tựu.
Những tín hiệu vui ngày đầu năm Nhâm Dần
Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, thể thao Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui từ bóng đá của cả đội tuyển nam và đội tuyển nữ quốc gia. Tối mùng 1 Tết Nguyên đán, đội tuyển nam quốc gia đã đánh bại tuyển Trung Quốc tại vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á với tỷ số 3-1 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Chiến thắng này không chỉ đem về những điểm số đầu tiên cho thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo, còn giúp tuyển Việt Nam đi vào lịch sử với tư cách đại diện đầu tiên của Đông Nam Á giành chiến thắng ở giai đoạn này.
Trong không khí hân hoan sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành lời khen ngợi cho màn trình diễn tuyệt vời của các học trò Huấn luyện viên Park Hang-seo. Thủ tướng biểu dương: "Hôm nay, toàn đội đá rất hay. Đáng lẽ chúng ta thắng 3-0 thì tốt hơn, nhưng 3-1 cũng được rồi. Rất cảm ơn Huấn luyện viên Park Hang-seo và các cầu thủ.
Đội tuyển đã mang lại một bữa tiệc bóng đá cho người dân Việt Nam đúng vào ngày mùng 1 Tết âm lịch. Đây là món quà quý dành cho người hâm mộ, dành cho nhân dân Việt Nam trong ngày Tết. Một lần nữa, tôi cảm ơn ban huấn luyện, các cán bộ, nhân viên phục vụ đội bóng, đặc biệt là các cầu thủ. Họ đã đã thể hiện tinh thần thi đấu kiên cường, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo trong trận đấu ngày hôm nay. Xin cảm ơn và chúc mừng năm mới tất cả thành viên của đội tuyển Việt Nam".
Khi người yêu thể thao nói chung và hâm mộ bóng đá Việt Nam nói riêng còn chưa nguội cảm xúc sau chiến thắng tối mùng 1 Tết, chỉ 1 ngày sau, tuyển nữ Việt Nam lại liên tiếp mang tới tin vui từ phương xa (Ấn Độ) khi đánh bại Thái Lan, rồi sau đó hạ gục Đài Bắc Trung Hoa (ngày mùng 6 Tết) để đem về tấm vé chính thức tham dự vòng chung kết World Cup 2023.
Như vậy, sau Futsal, bóng đá nữ Việt Nam cũng ghi tên mình vào lịch sử World Cup. Đó là cú hích ấn tượng cho các môn thể thao khác của nền thể thao nước nhà bước vào năm 2022 hướng đến hoàn thành các mục tiêu quan trọng, đặc biệt tại SEA Games 31.
Theo Huấn luyện viên Mai Đức Chung, để đạt được kết quả này, tuyển nữ Việt Nam đã có được hai yếu tố: "Đó là tinh thần và đoàn kết - hai yếu tố vô cùng quan trọng. Tất nhiên chúng tôi cũng có tính toán về chiến lược và phương pháp tập luyện để tăng dần thể lực cho các cầu thủ. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các đơn vị báo đài luôn luôn quan tâm đội tuyển nữ, đưa tin hỏi han tình hình và lo lắng cho tình trạng sức khỏe của đội trước tình hình dịch COVID-19. Đây là những lời động viên rất thiết thực đối với đội bóng đá nữ của chúng tôi".
"Nếu bản thân mỗi người không tự vượt khó thì chúng ta không thể có được thành tích như này. Có những lúc chúng tôi đã rất nản, tưởng chừng không thể thi đấu, nhưng rồi tất cả đã qua… Khi nhóm một sang đó có 11 thành viên, trong khi các đội rất hùng hậu, điều này khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Khi sang Ấn Độ thì lần lượt 3/6 vận động viên có vấn đề sức khỏe. Bản thân tôi là huấn luyện viên cũng rất khó để đưa ra giáo án, buộc phải tìm các cách để vận động viên tập luyện và duy trì sức khỏe tốt nhất. Đấy là điều mà chúng tôi luôn luôn cố gắng khắc phục cùng đội tuyển, là quyết tâm rất cao của đội tuyển để thi đấu". Huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ.
Hướng tới những kết quả tốt trong một năm bận rộn
Đối với những nhà quản lý, những người làm thể thao và với cả các vận động viên, những thành công đầu năm là động lực để họ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, hướng tới những mục tiêu mới, những nấc thang mới ở các sân chơi khu vực và quốc tế, đặc biệt là đối với năm 2022, khi mà thể thao Việt Nam bận rộn với SEA Games 31, ASIAD ở Hàng Châu (Trung Quốc), Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX...
Sau nhiều lần trì hoãn và sắp xếp lại lịch trình vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, SEA Games 31 chính thức ấn định thời gian diễn ra vào giữa tháng 5/2022 tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Tại SEA Games 30 vừa qua, đoàn Việt Nam đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp, chỉ sau nước chủ nhà Philippines. Tuy nhiên, đến kỳ SEA Games 31 lần này, chủ nhà Việt Nam lựa chọn chủ yếu các môn thi đấu đều nằm trong hệ thống của Olympic và Asiad. Do đó, dự đoán đây sẽ là một kỳ Đại hội đặc biệt, với chất lượng chuyên môn cao nhất từ trước tới nay.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn: SEA Games 31 sẽ không bỏ sót bất cứ nội dung thi đấu nào ở các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu tiên SEA Games diễn ra theo hình thức này, qua đó hướng đến việc phát triển và nâng cao sức cạnh tranh không chỉ của thể thao Việt Nam mà của toàn khu vực.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, trong giai đoạn cuối này, ngành cố gắng, nỗ lực để đưa các vận động viên đi tập huấn, thi đấu. Hiện nay, một số bộ môn đã, đang và chuẩn bị đi thi đấu, hiện nay một số quốc gia đã nới lỏng hơn do dịch COVID-19 phần nào được kiểm soát, trong điều kiện như vậy, sử dụng nhiều giải pháp để các vận động viên tiếp cận được với các giải đấu.
Ngay tại trong nước, khi dịch COVID-19 được chuyển sang trạng thái thích ứng mới, ngành Thể dục thể thao cũng đã lên kế hoạch, triển khai tổ chức nhiều giải đấu để các vận động viên có cơ hội thi đấu, cọ sát, nâng cao trình độ để chuẩn bị cho những sân chơi lớn. Nhiều giải trở lại với sự mong chờ của người hâm mộ như V.League 2022, Hạng Nhất Quốc gia 2022, Cúp Quốc gia ... sẽ bắt đầu khởi tranh từ tháng 2; Giải Điền kinh Việt dã báo Tiền Phong, Giải Vô địch các câu lạc bộ Judo quốc gia; Giải Vô địch Wushu các đội mạnh quốc gia; Giải Vô địch câu lạc bộ Kickboxing; Giải Vô địch Canoeing các câu lạc bộ toàn quốc.... sẽ đồng loạt diễn ra trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thể dục thể thao, để thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo, ngành sẽ tập trung vào nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2022-2040; Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực Thể dục thể thao; Đề án bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và Võ cổ truyền đến năm 2030.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035...
Đối với thể thao quần chúng, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phối hợp quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục thể thaotrong mọi đối tượng, địa bàn trên cả nước; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022...
Riêng với thể thao thành tích cao, tiếp tục chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic, Paralympic mùa đông, ASIAD 19, ASIAN Para Games, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 3 tại Trung Quốc, SEA Games lần thứ 31, Đại hội Thể thao quốc tế trẻ em châu Á lần thứ 7 tại Nga, Đại hội Thể thao Văn hóa Pháp ngữ tại Congo và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới... Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức, điều hành 132 giải thể thao thể thao thành tích cao, 46 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31 sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn trong việc tổ chức SEA Games 31, nhất là trong việc triển khai các dự án, gói thầu liên quan đến cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu; triển khai dự án công nghệ thông tin, công tác truyền hình của Đại hội. Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc xây dựng, triển khai các phương án cụ thể về an ninh, giao thông, hậu cần, lễ tân - khánh tiết, y tế, phòng, chống doping, tuyên truyền, công nghệ thông tin, khai mạc, bế mạc, lễ tân - khánh tiết, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 để tổ chức thành công SEA Games 31 tại Việt Nam.
Có thể thấy, 2022 sẽ là một năm bận rộn đối với thể thao Việt Nam với hàng loại các giải đấu, sự kiện mà chúng ta đăng cai tổ chức, tham dự. Với sự nỗ lực quyết tâm của ngành, sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành hữu quan, khát khao cống hiến vì màu cờ sắc áo của các nhà quản lý, các vận động viên... cùng với sự khởi sắc ngay những từ những ngày đầu Xuân năm mới, người hâm mộ thể thao nói riêng Năm 2022: Khát vọng thể thao Việt Nam "cất cánh".