Năm 2022, ngành y tế TP HCM sẽ có những hoạt động trọng tâm nào?
Một hoạt động trọng tâm là xây dựng và khởi động đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ngang tầm các nước trong khu vực, đồng thời tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.
Sở Y tế TP HCM vừa xây dựng 9 nhóm hoạt động trọng tâm của ngành Y tế TP trong năm 2022, đòi hỏi mỗi cơ sở y tế phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế, để định hướng cho toàn ngành cùng phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong năm 2021, đồng thời nhân rộng những cách làm đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. 9 nhóm hoạt động trọng tâm gồm:
1. Triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 như thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến từng người dân thành phố; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19. Sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh…
2. Khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Cụ thể: Tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện hai chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh Covid-19 và không Covid-19. Xác định mô hình bệnh tật hậu Covid-19 và cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tương ứng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế. Củng cố năng lực hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh, thảm họa và củng cố hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, dược lâm sàng tại bệnh viện. Đồng thời, triển khai chương trình quản lý và chăm sóc sức khỏe người mắc các bệnh mạn tính.
3. Triển khai các giải pháp giúp ổn định tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trong tình hình dịch bệnh kéo dài như: Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế tài chính giúp cho các đơn vị ổn định tài chính trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Thực hiện thanh, quyết toán chi phí phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định và đúng thời hạn…
4. Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu gồm: Triển khai hiệu quả đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện, TP Thủ Đức từ Sở Y tế về UBND các địa phương quản lý.
Ngoài ra, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP hướng đến phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Đồng thời, triển khai các giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng tại các cơ sở y tế và các bệnh viện.
5. Củng cố công tác quản lý của một số đơn vị trực thuộc, xây dựng các đề án trọng tâm về Công nghiệp dược và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC). Cụ thể: Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và lãnh đạo, quản lý của một số đơn vị trực thuộc. Đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cho các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Xây dựng và khởi động đề án nâng cao năng lực HCDC ngang tầm các nước trong khu vực. Nâng cao năng lực cung ứng và quản lý thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.
6. Triển khai chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế TP như: Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên địa bàn TP. Xây dựng nền tảng số quản lý dịch bệnh Covid-19. Triển khai hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện. Xây dựng nền tảng liên thông dữ liệu của ngành Y tế TP, ưu tiên kết nối dữ liệu về phòng chống dịch và dữ liệu khám, chữa bệnh.
Triển khai thí điểm phần mềm quản lý trang thiết bị y tế tại các đơn vị kết nối liên thông với Sở Y tế. Xây dựng dữ liệu lớn về chứng chỉ hành nghề dược; chuyển đổi số công tác quản lý cơ sở hành nghề dược và mỹ phẩm.
7. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cụ thể: Hoàn thành và đưa vào hoạt động các công trình mới xây dựng như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Nguyễn Trãi, Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp Y.
Đồng thời, đưa các bệnh viện mới xây dựng đi vào hoạt động gồm Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2, TP Thủ Đức), Khu Kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115. Ngoài ra, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế phường, xã đủ điều kiện hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
8. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân như: Xây dựng trang thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19. Xây dựng, triển khai, đánh giá Bộ tiêu chí chất lượng về công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe tại Sở Y tế và các cơ sở y tế trực thuộc. Xây dựng các kênh kết nối trực tiếp giữa lãnh đạo các cấp và nhân viên tuyến cơ sở…
9. Tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân như: Triển khai thí điểm các cơ chế để các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch. Kiểm tra chất lượng các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa (thẩm mỹ, răng hàm mặt). Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân…