Năm 2022, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát
Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 57, chiều 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại Phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực.
Theo đó, 06 chuyên đề được lựa chọn cụ thể như: Chuyên đề 1, việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030.
Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…).
Chuyên đề 3, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội) và kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 2015-2020.
Chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2012 đến ngày 01/7/2021.
Chuyên đề 6, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển năng lượng.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 trong số 06 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao.
Quang cảnh phiên họp.
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, rất nhiều nội dung mà nhân dân muốn giám sát, rất nhiều nội dung mà các cơ quan muốn giám sát nhưng thời hạn giám sát và nhân lực có ít. Do đó, cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các nội dung giám sát.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, 06 nội dung này đều rất cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đề xuất, trước hết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 04 sau đó đưa ra Quốc hội sẽ chọn 02 nội dung, còn 02 nội dung nữa sẽ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến nghị 02 nội dung còn lại nếu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đưa vào chương trình giám sát hoặc giải trình.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lựa chọn 04 trong 06 chuyên đề để đưa ra Quốc hội. Các chuyên đề được chọn theo thứ tự là 1,2, 3 và 5.
Với hoạt động giám sát chung của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tích cực triển khai các hoạt động giải trình; Đề nghị của các cơ quan tiếp tục đổi mới về cách thức triển khai hoạt động giám sát về việc tổ chức Đoàn giám sát, việc điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, tăng cường chất lượng chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Năm 2022, Quốc hội sẽ tập trung triển khai các nội dung về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.