Năm 2022, sẽ quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường
Ngày 7/1 tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sẽ tổng kết hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Một trong những mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
CMSC cho biết, năm 2021 sẽ kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp nhà nước do CMSC quản lý để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ủy ban cho biết cũng sẽ rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo nguyên tắc thị trường; giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Năm 2022, sẽ quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường. Ảnh CMSC
Theo tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC quản lý, tổng doanh thu ước tính năm 2021 đạt 99% kế hoạch (826.390 tỷ đồng, bằng 107% so với năm 2020.
Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước vượt 62% kế hoạch (34.390 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020); tổng nộp ngân sách ước vượt 22% kế hoạch (62.870 tỷ đồng, bằng 100,1% so với năm 2020).
Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 11/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020.
Một số tập đoàn, tổng công ty sau nhiều năm lỗ, đến năm 2021 đã có lãi (Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam).
Một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng (90,1% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng (97,2% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng (79,1% kế hoạch).
Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ước đạt 6.895 tỷ đồng giá trị đầu tư (70% kế hoạch), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỷ đồng (65% kế hoạch), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỷ đồng (44% kế hoạch).
Trong đó, một số dự án nổi bật về đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước năm 2021 là các dự án trọng điểm về năng lượng (Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I); một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không (Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên).