Năm 2022: Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chính sách pháp luật về đất đai
Tổng cục Quản lý đất đai tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc với các sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai văn bản quy phạm.
Chiều 17/1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tổng cục đã đạt được trong năm 2021.
Lưu ý nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục hoàn thiện để Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai...
Bên cạnh đó, Tổng cục cần hoàn thiện các nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Năm 2022, Tổng cục cần hoàn thiện báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) đảm bảo tiến độ và chất lượng, trình Chính phủ trong quý I/2022. Bên cạnh đó, Tổng cục cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; rà soát các dự án chậm triển khai, chỉ đạo tốt việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Tổng cục tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc theo hình thức trực tuyến với các Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2021, Tổng cục đã hoàn thành 100% việc xây dựng và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thành và trình Quốc hội quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; kịp thời chỉ đạo, kiểm soát tình trạng sốt đất ở một số địa phương, các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở, góp phần phát triển kinh tế và trật tự xã hội...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Chu Văn Trường cho biết: Năm 2021, Tổng cục tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng về quy hoạch, chiến lược sử dụng đất gồm: Lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ đầu 2021-2025; Dự án xây dựng chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Cùng với đó, Tổng cục đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong quản lý. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan.
Tổng cục duy trì công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng của Tổng cục; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý thông tin và tổ chức thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận trên địa bàn cả nước.
Theo đó, Tổng cục tiếp nhận 350 thông tin phản ánh về vi phạm đất đai (qua đường dây nóng 140 thông tin; qua báo chí 32 thông tin; qua đơn thư 178 thông tin), giảm 70 thông tin so với năm 2020 và đã xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Đồng thời, Tổng cục tổ chức thẩm tra khung chính sách, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; cùng với các địa phương thực hiện tốt công tác đối thoại để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; bảo đảm an sinh cho người có đất bị thu hồi, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai./.