'Năm 2022, tôi có nhiều kế hoạch, nhưng trước hết phải về thăm nhà'
Cuộc sống người Việt trên thế giới năm 2021 có nhiều gián đoạn do Covid-19. Tuy nhiên, không còn sợ hãi và lo lắng, họ lạc quan về một năm 2022 khởi sắc cùng hy vọng được về nhà.
2022 sẽ là năm thứ ba con người học cách chung sống với dịch bệnh. Thế giới đã trải qua những mất mát, đau thương do đại dịch kéo dài, cùng với gián đoạn kinh tế trên toàn cầu. Thế nhưng, bất chấp những thách thức trước mắt, nhiều người Việt vẫn bày tỏ lạc quan cho năm mới 2022.
Mỗi người có một mong ước cho riêng mình dịp đầu năm, nhưng hy vọng lớn nhất của họ khi được Zing hỏi là mong ngóng ngày biên giới mở cửa, đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để trở về quê hương và thăm gia đình.
Mong con sớm được gặp ông bà
Chị Lê Nhi - sống tại Phnom Penh, Campuchia
Hai năm qua, tôi ở nhà nhiều hơn. Giờ đây, mọi người hiểu dịch bệnh còn kéo dài, con người cần sống chung với Covid-19, vậy nên tâm trạng cũng thoải mái hơn so với hai năm trước.
Khoảng ba tháng gần đây, hàng quán tại Campuchia bắt đầu mở lại, đường phố đông đúc. Mọi người tự biết bảo vệ bản thân, như luôn mang theo cồn kháng khuẩn khi ra ngoài.
Campuchia không bắn pháo hoa vào Tết dương lịch. Như những năm trước, nhà tôi thường mở TV xem các hoạt động mừng năm mới ở Việt Nam. Năm nay, tôi cùng chồng và các con đi ăn với bạn bè đón năm mới.
Năm qua, kỷ niệm đáng nhớ nhất là gia đình tôi chào đón thêm thành viên mới. Đợt tôi sinh em bé đúng giai đoạn dịch nên chồng tôi làm ở nhà. Trước dịch, hai vợ chồng không có nhiều thời gian ở cạnh nhau. Đợt dịch này hóa ra lại là cơ hội để chúng tôi cùng chăm sóc con nhỏ, cùng phụ giúp.
Tuy nhiên, một điều hơi đáng tiếc là do dịch bệnh, việc đi lại hạn chế nên đến giờ con tôi vẫn chưa có cơ hội về Việt Nam gặp ông bà. Trước đây, khoảng 2-3 tháng tôi về Việt Nam một lần, nhưng bây giờ thì đã hơn một năm tôi chưa được thăm nhà.
Vì vậy, năm 2022, tôi mong dịch bệnh được kiểm soát để sớm trở về nước. Hiện hạn chế đi lại cũng được nới lỏng rồi, nhưng công việc của chồng tôi còn bận rộn, nên tôi tính sau Tết Nguyên đán sẽ về.
Năm vừa rồi do dịch nên mọi thứ đóng cửa hết, tiệm salon tóc tôi làm cũng không phải ngoại lệ. Năm tới, tôi muốn tập trung phát triển công việc.
“Tôi muốn trải nghiệm bù cho 2 năm qua”
Chị Nguyễn Thùy - sinh sống tại Seoul, Hàn Quốc - thợ chụp ảnh và trang điểm
Trong năm qua, điều đáng tiếc là tôi không thể cạnh người thân ở quê nhà và không giúp được gì nhiều vào thời điểm Việt Nam trải qua đợt dịch nghiêm trọng. Dịch bệnh diễn biến bất ngờ và kéo dài nên nhiều kế hoạch công việc lẫn cuộc sống của tôi đều bị đảo lộn.
Ngay khi dịch được kiểm soát, tôi bắt tay vào kế hoạch đem cổ phục Việt đến với người dân Hàn Quốc, phần là thỏa mãn đam mê, phần là quảng bá cho nét văn hóa đẹp của Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm qua, tôi có cơ hội tham gia vào ekip của cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc (Miss Korea). Dù tôi chỉ tham gia với vai trò nhỏ, đây là trải nghiệm ý nghĩa với tôi.
Với quy mô tầm cỡ quốc gia, mọi khâu tổ chức, mọi thành viên trong ekip đều chuyên nghiệp và nghiêm túc. Tôi học hỏi và mở mang tầm mắt trước công tác hậu cần hối hả và hà khắc của thị trường giải trí Hàn Quốc, điều mà tôi chỉ từng nghe qua.
Đến thời điểm này, tôi ngạc nhiên và thấy hài lòng vì những gì đã đạt được trong năm qua.
Hàn Quốc chỉ nghỉ hai ngày cuối tuần trong đợt Tết dương lịch 2022. Mọi năm không có dịch, nhà tôi hay đi du lịch. Năm nay tôi đi làm khá xa, phải 21h mới về được, mà bên Hàn giờ đó hàng quán đóng cửa hết rồi, còn chồng và con sẽ qua chơi với bà nội.
Năm 2022, khi tình hình dịch ổn định, tôi muốn “trải nghiệm bù” cho 2 năm qua, như tham gia hoạt động ngoài trời, thu xếp đi du lịch cùng gia đình, liên hoan với bạn bè, đăng ký vài khóa học kỹ năng cho con trai.
Ngoài ra, tôi cũng mong dự án Việt phục ngày càng phát triển và đến gần hơn với giới trẻ Hàn Quốc.
Tôi mong bình an sẽ đến với mình và mọi người. Mỗi người có một vai trò, trách nhiệm khác nhau trong xã hội, chỉ cần làm tốt việc của mình, tuân thủ các quy định, tôi tin chúng ta sẽ sớm cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.
“Hai năm chưa về nhà, tôi sốt ruột lắm rồi!”
Chị Snow Nguyễn - chủ nhà hàng món Việt ở Auckland, New Zealand
Trong năm qua, về mặt kinh tế, tôi may mắn được chính phủ New Zealand hỗ trợ nên thu nhập không bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, khoảng thời gian phong tỏa kéo dài hơn 3 tháng khiến tâm trạng tôi bức bí.
Giữa những đợt phong tỏa trong năm 2021, tôi “kịp” khám phá hết toàn bộ các thành phố ở New Zealand. Gia đình tôi đón đêm giao thừa ở Queenstown - thành phố du lịch nổi tiếng nhất ở đảo Nam - cùng gia đình người chị luôn gắn bó và thân thiết từ ngày đặt chân tới New Zealand đến bây giờ.
Hy vọng cho năm mới 2022 của tôi là biên giới mở cửa hoàn toàn. Đầu tiên, mở biên giới là để tôi được về Việt Nam thăm người thân. Hai năm chưa được về thăm nhà, tôi sốt ruột lắm không yên tâm làm gì cả.
Sau đó, tôi sẽ tiếp tục khôi phục lĩnh vực du lịch và mở thêm về nhà hàng. Những kế hoạch, ý tưởng kinh doanh phải tạm gác lại trong năm qua bởi biên giới đóng cửa khiến lượng nhân sự không đủ để tôi mở rộng thêm hoạt động.
Kế hoạch thì nhiều lắm, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là về thăm nhà trước đã, rồi đón thêm những nhân sự có tay nghề sang bên này.
Tuy nhiên, “trong cái rủi lại có cái may” khi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn lao động thiếu hụt, chính phủ New Zealand đã ban hành chính sách định cư “nghìn năm có một” One-Off Resident Visa hồi tháng 9. Nhờ thế mà người thân và bạn bè của tôi ở đây đã có visa định cư hết rồi.
Tôi mong chờ năm 2022 là năm bình yên và kinh tế hoạt động trở lại như bình thường.
Trong suốt năm qua, chứng kiến người thân đối mặt và cận kề giữa sự sống và cái chết, tôi nhận ra chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vậy nên bây giờ tôi luôn cẩn trọng với sức khỏe, trân trọng những người xung quanh, và bắt tay làm những điều tôi muốn vì chẳng biết ngày mai có còn cơ hội để thực hiện hay không.
Dành thời gian để kết nối lại với bản thân
Chị Khánh Linh - sống tại thành phố Graz, thủ phủ của bang Steiermark, Áo
Hai năm qua, điều tôi học được nhiều nhất có lẽ là quen với “bình thường mới”. Khẩu trang trở thành món đồ không thể thiếu, giống như ví và điện thoại. Ứng dụng cài sẵn thông tin cá nhân để khai báo cũng trở thành thói quen mỗi khi tôi đi mua đồ.
Nhìn lại năm qua, điều tôi nhớ nhất có lẽ là việc thường xuyên trở thành F1, F2 trong khoảng thời gian còn sống tại Hàn Quốc, trước khi sang Áo làm nghiên cứu sinh.
Có lần toàn bộ ký túc xá của tôi bị phong tỏa do có ca nghi nhiễm. Tôi than thở thèm đồ ăn vặt. Một bạn ở tầng trên cứu trợ bằng cách thả hoa quả và bánh kẹo xuống bằng dây thừng. Sau lần đó, tôi biến phòng mình thành nơi chứa đồ ăn, nước uống và thuốc thang trong 3 ngày để đề phòng bất ngờ xảy ra, cũng như hỗ trợ bạn bè nữa.
Ngoài ra, tôi cũng học cách tận hưởng cuộc sống một mình trong phòng, như dành thời gian học pha chế cocktail và cafe, thay vì ra quán.
Năm mới này tôi quyết định sang Đức và Italy để thăm một số người bạn đã lâu không gặp. Tôi cân nhắc khá nhiều đến yếu tố dịch bệnh, nhưng không phải vì tôi sợ mắc bệnh, mà vì tôi sợ lây lan bệnh cho những người xung quanh hơn. Do đó, Giáng sinh và năm mới, tôi cũng chỉ có những buổi tiệc nhỏ với ba người tôi cần gặp tại nhà riêng, thay vì tụ tập nơi đông người.
Điều tôi nuối tiếc nhất trong năm qua là chưa có dịp về thăm gia đình, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Có lẽ Tết năm nay, tôi vẫn xa gia đình và đón giao thừa qua màn hình máy tính.
Năm mới, tôi sẽ dành một chút thời gian để kết nối lại với bản thân, ngẫm nghĩ những điều muốn đạt trong năm nay và đã học từ năm trước. Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ dự định tham quan một số nhà máy rang cafe ở châu Âu để tìm hiểu về văn hóa cafe giữa các nước.
Mong rằng đại dịch sớm qua, Covid-19 sẽ dần giống bệnh cảm cúm để tôi cũng như nhiều người xa quê có cơ hội trở về nước.
Giao thừa “chăn ấm đệm êm”
Chị Dương Nguyễn - nghiên cứu sinh tại thành phố Newcastle upon Tyne, Anh
Bất chấp dịch bệnh, không khí đón giao thừa năm nay tại thành phố Newcastle upon Tyne đông vui, tấp nập hơn so với năm trước. Dường như mọi thứ đang dần trở lại bình thường, nhưng vẫn chưa thể giống như hồi trước dịch.
Tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, người dân phải đeo khẩu trang, và luôn có chai rửa tay khô đặt ngay cửa ra vào hoặc ở quầy thanh toán cho khách hàng sử dụng. Họ đã quen với các biện pháp phòng dịch nên không ai cảm thấy bất tiện hay e ngại gì nữa.
Hai năm Covid-19 làm thay đổi cuộc sống của tôi khá nhiều. Tôi chuyển sang làm việc online và rất ít khi lên văn phòng. Tôi cũng cảm thấy mình trưởng thành và độc lập hơn rất nhiều. Có lẽ là do làm việc online đã rèn cho tôi tính chủ động.
Câu chuyện tác động lớn nhất đến tôi trong năm 2021 là việc chuyển nhà từ trung tâm thành phố ra vùng ngoại ô. Lý do tôi chuyển là vì tôi muốn tránh nơi đông người để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, và vì tôi không cần đến văn phòng thường xuyên.
Việc chuyển nơi ở phần nào làm thay đổi phong cách sống của tôi. Sống ở vùng ngoại ô ít nhiều có những bất tiện như khi mua sắm, nhưng lại giúp tôi gần gũi thiên nhiên và học được nhiều điều thú vị về vùng quê nước Anh.
Với tôi, như giao thừa năm trước, năm nay tôi không có kế hoạch đi xem pháo hoa. Tôi thấy không yên tâm khi đến chỗ đông người, và đi xem pháo hoa không phải là việc gì đó thật cần thiết.
Tôi ở nhà, nấu vài món ăn truyền thống Việt Nam và xem chương trình đón năm mới trên BBC. Tôi hy vọng năm sau hết dịch để tôi có cơ hội sang Pháp hoặc Thụy Sỹ đón giao thừa. Đó là ý định từ lâu mà tôi vẫn chưa thực hiện được do dịch bệnh kéo dài.
Hy vọng 2022 sẽ mang lại nhiều thành công và may mắn cho tôi. Tôi mong sớm được về Việt Nam thăm người thân. Lần cuối tôi về nhà là hè 2019, nên tôi rất nhớ gia đình và nhớ những món ăn vặt vỉa hè.
Tôi mong dịch bệnh trên toàn thế giới sẽ nhanh chóng được kiểm soát, mọi thứ sẽ quay trở lại như trước kia.