Năm 2022, vận tải tăng trưởng vượt bậc
Một trong những 'điểm sáng' trong bức tranh ngành GTVT 2022 là hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng.
Vận tải tăng trưởng vượt bậc
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 vào chiều nay (13/1), Bộ GTVT đã công bố thống kê ấn tượng về vận tải.
Theo đó, đến hết 31/12/2022, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vận chuyển hàng hóa 12 tháng các ngành đều tăng: hàng không (+3%), đường bộ (+22,7%), đường thủy (+26,9%), đường biển (+27,9%), đường sắt (+9%).
Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ HK.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng các ngành: hàng không (+224,6%), đường biển (+56,7%), đường sắt (+205,6%), đường bộ (+51,6%), đường thủy (+52,9%).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tăng giá mặt hàng xăng, dầu nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động vận tải, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, phục vụ đầy đủ, an toàn nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, Bộ GTVT tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hoạt động vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Để nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT định kỳ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến giảm cơ chế thuế, phí. Với nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện kế hoạch về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định: "Kết quả hoạt động vận tải năm 2022 cho thấy sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch.
Tăng thị phần vận tải đường thủy và đường sắt
Trong năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động vận tải; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý vận tải.
Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý, phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng; xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức giao thông theo hướng khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương; xây dựng lộ trình tăng tỷ lệ sử dụng, tiến tới sử dụng chủ yếu các phương tiện thân thiện môi trường.
Đồng thời, Bộ GTVT đẩy mạnh quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến vận tải thủy, tuyến bờ ra đảo, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên biển, nhất là hoạt động vận tải hành khách tuyến từ bờ ra đảo.
Nghiên cứu mở các đường bay nội địa và quốc tế mới; tăng cường điều phối hợp lý các slot tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, cảng hàng không quốc tế Nội Bài; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến.
Tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện. Tập trung kiểm soát phương tiện từ khâu xếp hàng, đón khách nhằm ngăn chặn các vi phạm từ gốc; giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ…
Triển khai Kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu, giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải sắt.
Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Theo Tạp chí Lloyd's List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32).
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nam-2022-van-tai-tang-truong-vuot-bac-183230113132250608.htm