Năm 2023, đưa các nền tảng xuyên biên giới vào 'khuôn khổ'
Thực trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, nội dung độc hại trên các nền tảng xuyên biên giới đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trên không gian mạng. Tuy nhiên, vấn đề này đang được chấn chỉnh và bước đầu đã cho thấy hiệu quả.
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều động thái quyết liệt đối với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube… Tuy nhiên, vấn đề vi phạm về nội dung của các nền tảng này vẫn còn rất nhiều, ảnh hưởng xấu đến độc giả. Vậy, năm 2023, việc đưa các nền tảng này vào đúng quy định của pháp luật Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nêu rõ, năm 2023 là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới đúng quy định của pháp luật Việt Nam. “Các nền tảng này kiếm nhiều tiền, nhưng vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng Hùng chỉ ra.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững, càng to, càng lớn, càng quan trọng, thì càng phải thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đi kèm phải càng lớn.
Thực tế từ nhiều năm nay, các nền tảng xuyên biên giới như Meta (Facebook), Google, Netflix, Amazone, Spotify, Apple, Telegram… hoạt động tại Việt Nam, cung cấp nhiều dịch vụ như mạng xã hội, OTT (dịch vụ truyền thông cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet), truyền hình trả tiền, nhạc trực tuyến… Với những dịch vụ này, các nền tảng xuyên biên giới kiếm hàng tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, nhưng nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật, trở thành “ổ” thông tin xấu, độc.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan quản lý đã điều chỉnh một số giải pháp nhằm ngăn nội dung xấu, độc trên các nền tảng xuyên biên giới. Nổi bật là liên tục tạo sức ép để Facebook, YouTube, TikTok gỡ bỏ thông tin vi phạm, không thể né tránh thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lần đầu triển khai quy trình xử lý nội dung xấu, độc với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Thay vì làm thủ công, các nền tảng phải sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét nội dung dựa trên mẫu do Bộ gửi.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính trong tháng 10/2023, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm, đạt tỷ lệ 90%. Google đã gỡ 480 video vi phạm trên Youtube, đạt tỷ lệ 92%. TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm, đạt tỷ lệ 95%, trong đó, xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok Việt Nam với hàng loạt sai phạm, đồng thời yêu cầu đơn vị quản lý TikTok Việt Nam sớm có biện pháp khắc phục sai phạm.
Đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong nhiều năm qua.
Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên không gian mạng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi vi phạm căn cứ theo Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ VHTT&DL, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế... triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đáp ứng ở mức cao các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm đạt tỷ lệ từ 90-95% như hiện nay không chỉ giúp quản lý tốt hơn thông tin xấu độc, tạo sự công bằng trong công tác quản lý đối với các nền tảng trong nước và xuyên biên giới, mà còn giúp bảo vệ người dùng tốt hơn, an toàn hơn khi tham gia trên không gian mạng.