Năm 2023, Kiên Giang kỳ vọng chu kỳ phát triển mới

Năm 2022 chính thức khép lại. Ngày Tết Dương lịch mở đầu cho năm 2023 đúng ngày chủ nhật. Theo quy định của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), ngày chủ nhật là ngày cuối cùng của một tuần. Việt Nam và đa số nước đều theo chuẩn này. Như vậy năm 2023, ngày mở đầu cho một năm trùng với ngày kết thúc một tuần cuối cùng của năm. Điều này đúng với quy luật có mở đầu thì có kết thúc!

Du khách vui chơi tại đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: TRUNG HIẾU

Du khách vui chơi tại đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: TRUNG HIẾU

Kiên Giang kết thúc năm 2022 với nhiều thắng lợi, khi 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt. Nhiều chỉ tiêu rất ấn tượng như chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%, khi kế hoạch chỉ 6,02%.

Nhớ cách đây tròn một năm, khi phóng viên thường trú Báo Nhân Dân phỏng vấn đồng chí Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang về sự kỳ vọng trong năm 2022, đồng chí cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất đắn đo khi đưa ra mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm là 6,02%. Bởi đại dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế cả nước nói chung và Kiên Giang nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Hai năm liền 2020 và 2021 tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang đạt rất thấp. Năm 2020 được 3,2% và năm 2021 chỉ 0,58%. Trong khi đó, dự báo năm 2022, nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục có những khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang vẫn quyết đoán và vững tin với trụ đỡ vững chắc là kinh tế nông nghiệp và sự phục hồi nhanh của ngành du lịch khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế Kiên Giang sẽ phục hồi nhanh chóng và sẽ tăng trưởng khá trong năm 2022.

Tuy vững tin, nhưng thực tế cho thấy năm qua tình hình vẫn khó khăn khi thế giới còn nhiều biến động, lạm phát tăng cao, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề. Giá xăng, dầu, nguyên vật liệu tăng cao; thiên tai, dịch bệnh vẫn xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn, việc làm và đời sống của người dân.

Cùng với đó, các hạn chế nội tại của nền kinh tế như kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng, hàng hóa nông sản sức cạnh tranh thấp và một số vấn đề khác tồn đọng đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm qua, có những thời điểm các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Kiên Giang tăng trưởng rất chậm, cá biệt có chỉ tiêu sụt giảm so với năm 2021 đã gây áp lực rất lớn trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh.

Tuy nhiên, trong thế khó mới ló được nhiều cái tài, cái hay. Trước tiên, phải nói đến sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sâu sát của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh. Nhiều cuộc hội nghị với nội dung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh được triệu tập với sự chủ trì của các đồng chí đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Sau đó, các kế hoạch, chương trình với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được ban hành sát với thực tiễn. Kế đến là sự nhập cuộc của các ngành, các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra bằng tinh thần rất cao, có phân việc, phân kỳ. Bên cạnh đó là sự trợ giúp của Mặt trận, các đoàn thể trong cổ vũ, động viên, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện các chương trình, mục tiêu, các phong trào hành động và các phần việc… Tựu chung, thành quả mà Kiên Giang gặt hái được trong năm 2022 là nhờ sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và sự chung sức, chung lòng của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Xin nhắc lại hai lĩnh vực mà đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Kiên Giang đã đề cập và có một niềm tin vững chắc là sẽ phục hồi và phát triển mạnh là nông nghiệp và du lịch. Theo đó, năm 2022, nông nghiệp tỉnh với hai thế mạnh là sản xuất lúa và thủy sản vững vàng về đích với những con số ấn tượng. Về sản xuất lúa, diện tích gieo trồng gần 700.000ha, sản lượng đạt hơn 4,4 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm hơn 97,3% diện tích. Về thủy sản, tổng lượng khai thác và nuôi trồng đạt hơn 844.400 tấn, trong đó khai thác mặc dù khó khăn chồng khó khăn nhưng vẫn đạt gần 524.000 tấn. Về du lịch, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt hơn 7,56 triệu lượt, vượt hơn 35% kế hoạch, tổng doanh thu hơn 10.585 tỷ đồng…

Một góc TP. Rạch Giá (Kiên Giang) về đêm. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tuy nhiên, hai lĩnh vực gồng gánh cho sự tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang năm 2022 còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng đúng như kỳ vọng và đáng quan tâm. Trước tiên, xin nói về lĩnh vực nông nghiệp. Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh và đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, với gần 70% dân số sống ở vùng nông thôn nhờ vào cây lúa. Tuy nhiên, phần đông cuộc sống của nông dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng nông dân bỏ ruộng, xa quê còn rất nhiều và có chiều hướng tăng. Sản lượng lúa, gạo của Kiên Giang lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này không bằng một số địa phương thua sản lượng.

Về khai thác hải sản, Kiên Giang cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng tàu đánh bắt, nhưng thời gian qua ngành nghề này đi xuống. Đáng lo ngại, số lượng lớn người lao động trên tàu cá đã dịch chuyển sang nghề khác. Tàu phải nằm bờ vì không tìm được lao động. Tàu ra khơi khi quay về thua lỗ vì chi phí tăng cao trong khi sản lượng sụt giảm. Lo ngại nhất, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng vẫn còn vi phạm vùng biển, đánh bắt cá bất hợp pháp. Chủ tàu cá hiện vẫn còn nợ ngân hàng, trong khi tài sản thế chấp là những con tàu nếu không ra khơi được thì giá trị rất thấp. Rồi tình trạng nhiều chủ thể tàn phá ngư trường, nguồn lợi vẫn còn xảy ra…

Trong lĩnh vực du lịch, Kiên Giang phát triển mạnh, nhưng nổi trội và cạnh tranh được với các địa phương khác trong nước và các nước lân cận chỉ có Phú Quốc. Tổng lượng khách đến Kiên Giang tương đối cao, nhưng khách quốc tế chỉ hơn 223.000 lượt. Tại trung tâm du lịch sinh thái, nghĩ dương chất lượng cao - Phú Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm đã và đang ảnh hưởng đến môi trường du lịch, như tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi biển, sông, suối; tình trạng rác thải sinh hoạt ùn ứ tại các khu dân cư do năng lực thu gom xử lý chưa đáp ứng, nhất là lượng rác thu gom chờ xử lý còn rất lớn tại các nhà máy xử lý rác trên địa bàn…

Năm 2023 bắt đầu, Kiên Giang đã đề ra những kế hoạch và chỉ tiêu mới, với cách thức năm sau phải cao hơn năm trước, đồng nghĩa năm nay phải cố gắng nhiều hơn năm qua mới có được kết quả như hôm nay. Chúng ta đang trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2023 cũng là thời điểm cuối năm với các hoạt động tổng kết, gặp gỡ, thăm hỏi, chúc mừng… để chuẩn vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài hơi hơn, với những hoạt động vui chơi lớn hơn.

Thường là vậy, nhưng nhiệm vụ chính trị vẫn còn rất nặng nề phía trước. Chúng ta, vui xuân chớ quên nhiệm vụ. Quan trọng, sau kỳ nghỉ, mọi người vào ngay vị trí của mình, triển khai kế hoạch làm việc, lao động, sản xuất, kinh doanh để không tái diễn tình trạng đầu năm thư thả, cuối năm vất vả!

Hãy tiếp tục đoàn kết, chung lòng, cùng nhau đưa Kiên Giang vào một chu kỳ phát triển mới!

VIỆT TIẾN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/nam-2023-kien-giang-ky-vong-chu-ky-phat-trien-moi-12173.html