Năm 2023, nhiều tuyến giao thông kết nối quan trọng được đưa vào sử dụng
Năm 2023, Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra chất lượng thi công một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh để đánh giá công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế về chất lượng.
Sáng 10/1, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đảng, công tác chuyên môn ngành GTVT năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh.
Năm 2023, Sở GTVT chủ trì giải quyết 673 nhiệm vụ, đã giải quyết xong 643 nhiệm vụ, còn 30 nhiệm vụ đang giải quyết. Tỷ lệ thực hiện nhiệm vụ đúng hạn đạt 100%. Hoạt động vận tải hành khách đã có những bước phát triển mới theo chiều hướng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, chất lượng phương tiện để người dân có nhiều sự lựa chọn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày một tốt hơn. Vận tải hàng hóa toàn tỉnh đạt sản lượng 67,209 triệu tấn, tăng 10,4 % so với năm 2022; vận tải hành khách đạt 37,081 triệu lượt khách, tăng 31,1% so với năm 2022. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 46,1 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2022 (trong đó: qua cảng Nghi Sơn ước đạt 45,8 triệu tấn); doanh thu vận tải đạt 19,963 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022.
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư là 826 tỷ đồng; (trong đó: vốn các dự án Bộ GTVT quản lý 14 tỷ đồng, vốn dự án do tỉnh quản lý 812 tỷ đồng). Dự kiến đến 31/1/2024 cơ bản giải ngân vốn giao đạt 84%, còn lại một số dự án sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sang năm 2024.
Trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành dự án đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; hoàn thành đưa vào khai thác 98,2 km đường bộ cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Thanh Hóa. Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án: Cầu Cẩm Vân, đường từ núi Văn Trinh đi Đường tỉnh 506; đường từ nút giao Đông Xuân đi TP Thanh Hóa; hoàn thiện Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo Bộ GTVT, Bộ Tài chính hoàn thành nâng cấp và điều chuyển tài sản tuyến Đường tỉnh 506 thành Quốc lộ 47B, với chiều dài 65,9 km; tham mưu với UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, Sở GTVT đã chủ động, phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý hành lang, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh, xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ...
Trong năm 2023, Đảng ủy Sở GTVT đã tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác sinh hoạt chi bộ và kiểm tra, giám sát; kết nạp được 10 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đánh giá cao sự nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của ngành GTVT để hoàn thành cơ bản mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Trong công tác Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ Sở GTVT tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, sửa chữa những khuyết điểm phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập thể Sở GTVT tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng thi công một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, để đánh giá công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế về chất lượng.
Các đơn vị liên quan của ngành GTVT tăng cường công tác quản lý, bảo trì các công trình giao thông nhằm nâng cao tuổi thọ công trình và phát huy hiệu quả khai thác. Cùng với đó, ngành GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát vị trí các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ để tham mưu cho UBND tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ, nhất là kiểm soát vận tải hàng hóa và hành khách. Ngoài ra, Sở GTVT cần siết chặt quản lý xe vận tải hành khách trá hình, xe dù, bến cóc lập lại trật tự trong vận tải hành khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành GTVT tích cực hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe nhằm nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông bằng nhiều hình thức đến đông đảo người dân.