Năm 2023, thế giới có cần hạn chế biên giới với du khách Trung Quốc?
Khi mà cả thế giới đã cùng 'sống chung với Covid-19', liệu có lý do gì để e ngại tiếp xúc với một du khách Trung Quốc hơn là tiếp xúc với bất kỳ người nào khác?
Trước cơ hội phục hồi lớn
Tháng 12/2022, khi Chính phủ Trung Quốc quyết định đảo ngược chính sách “zero-Covid” mà nước này đã kiên trì theo đuổi trong suốt 3 năm qua, thế giới bắt đầu hình dung về một tương lai tươi sáng hơn đang đến gần với du lịch quốc tế hậu đại dịch vẫn còn ảm đạm: Các đoàn khách du lịch Trung Quốc sẽ một lần nữa tạo dáng chụp ảnh trước các Kim tự tháp của Ai Cập, tại Bảo tàng Acropolis ở Hy Lạp hay trên các bãi biển ở đảo Phuket của Thái Lan…
Là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới trước đại dịch - chi tiêu ước tính đạt 255 tỷ USD/năm - sự thay đổi chính sách gần đây của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới an toàn và có trật tự đã trở thành một tin tức đáng mừng cho thế giới. Không ít đại sứ quán và cơ quan du lịch của nhiều quốc gia đã đăng tải thông điệp trên các nền tảng truyền thông xã hội để chào đón khách du lịch Trung Quốc.
Viễn cảnh những người Trung Quốc giàu có tiền mặt đổ xô đến các con phố mua sắm trên khắp thế giới cũng đã thúc đẩy cổ phiếu hàng xa xỉ trong tuần đầu năm mới, khi mà Trung Quốc chiếm 21% trong thị trường hàng xa xỉ trị giá hơn 371 tỷ USD toàn cầu. Và với những ưu thế trên, dù biết khách Trung Quốc chưa thể đi du lịch ngay, các hãng hàng không lớn trên thế giới như United Airlines (Mỹ) hay Lufthansa (Đức) đã bắt đầu lên kế hoạch mở rộng đường bay kể từ ngày 8/1.
Một số hãng bay thậm chí lên kế hoạch trước cả khi Trung Quốc ra thông báo mở cửa hôm 26/12. Chẳng hạn, Korean Air (Hàn Quốc) cho biết, hãng này sẽ tăng các chuyến bay giữa hai nước từ 9 - 15 chuyến một tuần vào tháng 1/2023. Reuters dẫn lời đại diện nhà bán lẻ miễn thuế Dufry nói rằng, những thay đổi mới “có tác động tích cực tại các sân bay mà người Trung Quốc đặt chân đến, là những nơi chúng tôi có mặt”.
Chính bởi đứng trước cơ hội phục hồi lớn chưa từng có, việc một số quốc gia - bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Pháp, Australia… - bất ngờ tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với riêng hành khách đến từ Trung Quốc, trong đó yêu cầu các kết quả xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính trước khi lên máy bay và thực hiện cách ly bắt buộc, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng hàng không cũng như ngành du lịch nói chung tại nhiều quốc gia.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho khoảng 300 hãng hàng không toàn cầu, việc đồng loạt đưa ra các biện pháp hạn chế đối với du khách Trung Quốc là những động thái phản ứng “thiếu suy xét”, khi mà các chính sách như vậy “đã tỏ ra không hiệu quả trong 3 năm qua”. “Nghiên cứu liên quan biến thể Omicron đã cho thấy các biện pháp nhằm hạn chế việc di chuyển không tạo ra khác biệt nào đối với sự lây lan của dịch bệnh” - Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh nêu quan điểm. Ông kêu gọi các chính phủ đưa ra quyết định dựa trên khoa học khách quan, thay vì mục tiêu chính trị.
Thông báo về việc sắp sửa đón 2 triệu du khách Trung Quốc đến Campuchia, Thủ tướng Hun Sen hôm 4/1 khẳng định nước này sẽ không áp đặt thêm hạn chế nào về Covid-19, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đối xử bình đẳng với tất cả du khách từ tất cả các quốc gia”. Trong khi đó, Ủy ban bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan cũng đã đề xuất với Chính phủ nước này rằng khách du lịch Trung Quốc nên được đối xử như bất kỳ du khách nào khác, nghĩa là chỉ cần giấy tiêm phòng, không cần xét nghiệm Covid-19 khi đến nước này.
Singapore và Indonesia cũng đã có quyết định tương tự với các nước láng giềng Đông Nam Á. Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của ASEAN trước đại dịch, với gần 5,8 triệu lượt người đã được ghi nhận trong năm 2019. Điều này phần nào lý giải cho cuộc đua thu hút khách Trung trở lại đang nóng hơn bao giờ hết tại khu vực lúc này.
Không có lý do để e ngại
Đáng nói, những lo ngại của nhiều nước về nguy cơ bùng phát Covid-19 từ việc mở cửa biên giới với Trung Quốc được tin là vô lý, dựa trên các hiểu biết khoa học mà thế giới đã nắm trong tay lúc này. Trước hết, hãy xem liệu Trung Quốc có thực sự đang trên đà hướng đến “một thảm họa sức khỏe cộng đồng” tồi tệ như những gì báo chí phương Tây mô tả những tuần qua?
Theo Chính phủ Trung Quốc, nước này đang ghi nhận khoảng 5.000 ca mắc mới và chỉ một số ít ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Những số liệu này không được các quốc gia tin tưởng bởi Bắc Kinh thường xuyên bị cáo buộc hạ thấp số ca nhiễm và tử vong vì lý do chính trị. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là trong những tuần và tháng tới, một phần lớn dân số Trung Quốc sẽ nhiễm virus - điều tất yếu xảy ra với bất kỳ cộng đồng nào bắt đầu “sống chung với Covid-19”.
Nổi bật là ước tính gần đây của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington cho rằng, khoảng 1 triệu người Trung Quốc đã nhiễm bệnh mỗi ngày. Một số báo cáo khác nói rằng 250 triệu người trên cả nước đã bị nhiễm virus chỉ trong tháng 12 vừa qua. Do đó, việc dự báo số ca tử vong lớn đến đâu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định, bao gồm khả năng của chính quyền Trung Quốc trong việc đưa ra các biện pháp để bảo vệ những người thực sự có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19, cụ thể là người già và những người có bệnh nền.
IHME dự kiến sẽ có gần 300.000 ca tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc vào tháng 4/2023, nghĩa là khoảng 100.000 ca/tháng nếu đối chiếu với con số ước tính hiện tại của Tổ chức Y tế Thế giới, tương đương sẽ có khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Những con số này có vẻ gây sốc khi được đưa lên tiêu đề các bài báo, nhưng chúng cần được đặt trong đúng bối cảnh của một quốc gia với 1,4 tỷ dân như Trung Quốc.
Thực tế, hơn 10 triệu người đã chết ở Trung Quốc vào năm 2021 (năm gần đây nhất có số liệu thống kê), nên con số tử vong theo dự báo của IHME - ngay cả khi nó tiếp tục với tốc độ đó trong suốt cả năm - sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng khoảng 12% ở Trung Quốc. Đây là tỷ lệ phù hợp với mức trung bình toàn cầu ở những nơi khác trên thế giới vào năm cao điểm dịch bệnh 2020.
Trên tờ The Global anh Mail, bác sĩ bệnh truyền nhiễm Zain Chagla, hiện là Phó giáo sư tại Đại học McMaster lập luận rằng, ngay cả trong trường hợp xấu nhất - sự gia tăng ca nhiễm của Trung Quốc tạo ra một biến thể mới - thì các biện pháp hạn chế du lịch lúc này cũng mang lại rất ít hiệu quả bảo vệ cộng đồng. Ông trích dẫn một nghiên cứu của Canada từ năm 2020 chỉ ra rằng, hơn 1/3 các trường hợp liên quan đến du lịch sẽ có kết quả xét nghiệm âm tính ban đầu, trước khi cho kết quả dương tính từ 1 - 2 tuần sau đó.
Nhớ lại thời điểm biến thể Omicron được Nam Phi báo cáo lần đầu tiên cách đây một năm, khi mà thế giới đã được trang bị vaccine ngừa Covid-19, biến chủng này sau đó được xác định đã lưu hành ở Mỹ, Canada và châu Âu trước đó mà không bị phát hiện, dẫn đến sự lây truyền trong cộng đồng bất kể các hạn chế đi lại đối với Nam Phi lúc bấy giờ.
Những lệnh cấm như vậy đã từng gây tác động kinh tế rất lớn ở Nam Phi, thậm chí còn ngăn cản việc nhập khẩu thuốc thử cũng các sản phẩm cần thiết khác cho nhiệm vụ quan trọng toàn cầu lúc bấy giờ là cố gắng tìm ra các đặc điểm lâm sàng và phân tử của biến thể mới. Rõ ràng, thế giới của năm 2023 không cần phải lặp lại những sai lầm như vậy.