Năm 2023: Thu hồi thi hành án dân sự trên 89.000 tỷ đồng
Chiều 30- 1, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong quý I-2024.
Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, thông tin, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật. Điển hình là năm 2023, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong THADS được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó, có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, bám sát các quy định pháp luật và nhiệm vụ được giao tại các đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản giấy tờ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ký kết Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch. Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu.
Quý I-2024, Bộ Tư pháp sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng lưu ý, sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương; các kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Quy định số 132-QĐ/TƯ ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12-5-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14-8-2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.