Năm 2023: Vốn rót cho công ty khởi nghiệp của Việt Nam giảm 17%
Theo Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Mức giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu.
Ngày 26/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và công bố Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo 2024.
Với chủ đề "Chuyển đổi thành quốc gia công nghệ cao”, diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đồng thời thảo luận những xu hướng đầu tư mới nhất trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về ngành bán dẫn, với môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào cùng việc xác định rõ tầm nhìn, quyết tâm cao của Chính phủ phát triển đột phá ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt sau khi Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023, Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong lĩnh vực AI, tương lai phát triển AI của Việt Nam hết sức rộng mở khi một số doanh nghiệp khởi nghiệp AI đã vươn tầm quốc tế và thị trường. “AI có đủ cơ hội cho tất cả mọi người, từ những doanh nghiệp tên tuổi cho đến cả các doanh nghiệp khởi nghiệp” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Để tận dụng tối đa những cơ hội này, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thể đáp ứng nhu cầu của các ngành nói trên. Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết, Việt Nam có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đảm bảo mình có lợi thế cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu.
Theo báo cáo Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 được công bố tại diễn đàn, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu.
Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.
Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.