Năm 2023: Xe máy lưu hành ở TP.HCM phải chịu kiểm tra khí thải
Dự kiến nguồn phí thu được từ đề án 'kiểm tra khí thải xe máy' ở TP.HCM trong 6 năm có thể thu 2.200 tỉ đồng.
TP.HCM thí điểm kiểm tra khí thải cho 10.000 xe máy
Sáng 27/1, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên toàn TP.
Đề xuất thu phí 50.000đ/năm
Theo Sở GTVT, đề án kiểm tra khí thải qua hai giai đoạn, gồm giai đoạn chuẩn bị (2021-2022): TP thực hiện tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn toàn TP về chính sách kiểm soát khí thải.
Đến giai đoạn thử nghiệm (2023 - 2024): TP thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành trên địa bàn. Giai đoạn này bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên ở khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN6438-2018 được lưu thông; các xe vi phạm mức này vẫn cho lưu thông nhưng bị phạt hành chính.
Tại hội nghị, ông Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện môi trường Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, cho biết TP.HCM hiện có 7,4 triệu xe mô tô, xe máy. Lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỉ lệ 67,89% (tỉ lệ này lớn hơn ở Hà Nội). Nếu thực hiện chính sách kiểm soát khí thải thì hàng năm TP.HCM giảm được 13,1% tổng lượng CO phát thải; 13,8% tổng lượng HC phát thải, giảm 122.844 tấn CO2.
Theo ông Khang, mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.
Dự kiến nguồn phí thu được từ đề án và phương án đầu tư ở giai đoạn 2023 - 2024 với 6,9 triệu xe thu được 348 tỉ đồng; giai đoạn 2025 trở đi mỗi năm thu khoảng 299 tỉ đồng (5,9 triệu xe).
Như vậy trong 6 năm, TP có thể có nguồn thu khoảng 2.200 tỉ đồng.
Thiếu các quy định pháp lý kiểm định khí thải
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình hành động, đề án nghiên cứu như: thu phí ô tô vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong các đề án trên việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được đề cập một cách rõ ràng, cụ thể.
Theo ông An, việc thiếu các quy định pháp lý kiểm định khí thải định kỳ trong luật dẫn đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải cũng chưa có…
Trước mắt, Sở GTVT phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải - Bộ GTVT tuyên truyền kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân khi xử lý thu hồi các phương tiện cũ nát gây ô nhiễm môi trường.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông cho rằng, kết quả khảo sát khí thái xe máy qua đợt thí điểm vừa qua còn rất ít, cần phải tăng số xe máy khảo sát khí thải để thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, Sở GTVT cần cung cấp thông tin rõ hơn cho người dân về lộ trình cụ thể đối với đề án này.