Năm 2024, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực

Năm 2024, Bộ Công thương xác định, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn để phát triển và tăng tỷ trọng khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, hôm nay, 7/3, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo tư vấn thông tin xuất nhập khẩu thị trường Anh quốc và thị trường châu Âu.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại đánh giá, trong giai đoạn 2019 – 2023, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng tăng trưởng ổn định, nhất là những mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, hạt tiêu…"EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao” - ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

 Thị trường châu Âu vẫn là chủ lực trong chính sách xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: TL

Thị trường châu Âu vẫn là chủ lực trong chính sách xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: TL

Năm 2024, Bộ Công thương xác định, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn để phát triển tăng tỷ trọng khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Các quốc gia trong khu vực châu Âu đang ngày càng có nhu cầu cao về các mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Đây là những sản phẩm thế mạnh mà doanh nghiệp Việt có thể tăng cường xúat khẩu sang thị trường này thời gian tới.

Hiện nay, châu Âu là một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết thêm, khu vực châu Âu có thị trường Anh và khối Liên minh châu Âu (EU) đã có các hiệp định thương mại thế hệ mới với Việt Nam. Theo lộ trình giảm thuế, hàng nông sản, thực nước ta đang có nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực. Dù vậy, với khối thị trường này, quan trọng nhất không phải là thuế quan mà là các hàng rào phi thuế quan. Do đó, doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2024, Bộ Công thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh của Đức, của EU.

Đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất quy định mới.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2024-chau-au-van-la-thi-truong-xuat-khau-chu-luc-146317.html