Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ vi phạm

Năm 2025, quản lý thị trường ưu tiên chống hàng giả trên thương mại điện tử với nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền, lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của toàn lực lượng.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Bộ Công Thương

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại có diễn biến phức tạp hơn. Cùng đó, tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn khi đối tượng vi phạm không chỉ làm thương mại mà tham gia đầy đủ chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường; số lượng, trị giá hàng hóa vi phạm lớn, thuộc trường hợp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét dấu hiệu tội phạm.

Điển hình là các vụ việc phát hiện, thu giữ sách giáo khoa giả mạo nhãn, bao bì của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang, Sóc Trăng; vụ việc sản xuất bóng gofl giả mạo nhãn hiệu tại Tuyên Quang, vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả của Công ty cổ phần sữa Hà Lan, vụ việc gạo giả mạo nhãn hiệu Gạo Ông Cua, vụ việc sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam (thuốc) và Công ty TNHH đầu tư và thương mại HBT (động cơ máy nổ) do Cục Nghiệp vụ phát hiện, xử lý, một số vụ việc sản xuất thực phẩm bổ sung giả tên, địa chỉ thương nhân, giả mạo nhãn, bao bì sản phẩm tại Hà Nội, Tây Ninh…

Đáng lưu ý, các đối tượng vi phạm bị kiểm tra, xử lý không chỉ là các đối tượng hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thời vụ như trước mà có xu hướng gia tăng vi phạm tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký đầy đủ tư cách pháp nhân, giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Tình hình vận chuyển kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có xu hướng giảm so với các năm trước, tuy nhiên, vi phạm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười gia tăng với các hành vi vi phạm chủ yếu như nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, các hành vi vi phạm về thương mại điện tử diễn biến phức tạp và tinh vi hơn. Đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hóa và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hóa tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động. Tuy nhiên, lực lượng đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho hay, năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023); trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng.

Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2024 của lực lượng đó là kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử. Xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh thông qua hoạt động thương mại điện tử có xu hướng tăng cao, tại nhiều địa phương. Do đó, các Cục Quản lý thị trường đã chủ động ban hành thành lập tổ thương mại điện tử nhằm thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, tham mưu cũng như thực hiện biện pháp nghiệp vụ liên quan đến vụ việc về thương mại điện tử.

Tính đến thời điểm hiện tại, 63/63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định thành lập tổ thương mại điện tử và các đơn vị chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử trong năm 2024.

Cả năm, liên quan đến lĩnh vực thương mại, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

Các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử có hiệu quả cao: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Bên cạnh thương mại điện tử, lực lượng cũng đã tập trung kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong năm, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng.

Liên quan đến mặt hàng vàng, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ (Thanh Hóa); xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỷ đồng. Về các hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã phát hiện, xử lý 970 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng. Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, lực lượng đã phát hiện, xử lý 406 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng, thu giữ 2.470 lít dầu các loại trị giá 52 triệu đồng.

quản lý thị trường vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định, vẫn còn công chức vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan; việc phối hợp chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn; một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao, chưa phản ánh hết tình hình thị trường.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, năm 2025, lực lượng sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về quản lý thị trường.

Mặt khác, tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-2024-luc-luong-quan-ly-thi-truong-da-thanh-tra-kiem-tra-68-280-vu-vi-pham/357035.html