Năm 2024: Tăng hơn 5.300 tỷ đồng thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi với người có công
Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã tăng lên 2.789.000 đồng. Theo đó, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng gần 36%
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Theo đó, tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tương đương tỷ lệ tăng 35,7%, từ ngày 1/7/2024.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP về điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tương đương tỷ lệ tăng 35,7%, từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công/1 người/1 lần.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng thay thế Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ bằng Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Cụ thể, có 11 nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đó là: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và thân nhân; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và thân nhân; Thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B và thân nhân; Bệnh binh và thân nhân; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người có công giúp đỡ cách mạng; Trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi theo học tại các cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 2.884.000 đồng; thân nhân của 1 liệt sĩ là 2.789.000 đồng, thân nhân của 2 liệt sĩ là 5.578.000 đồng, thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 8.367.000 đồng.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng 8.367.000 đồng, phụ cấp ưu đãi hằng tháng 2.337.000 đồng.
Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 2.337.000 đồng; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày là 1.673.000 đồng.
“10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Trước đó, trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với mức tăng cao hơn sẽ góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42-NQ-TW về nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và nguyên tắc khi xem xét, điều chỉnh các chính sách xã hội thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất.
Hơn nữa, trong 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân.
Gần đây nhất, năm 2023, trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cao hơn lương cơ sở 5,7%. Cụ thể, lương cơ sở điều chỉnh lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%) thì mức chuẩn trợ cấp trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh lên 2.055.000 đồng (tăng 26,5%).
Trong 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân.
Kết quả thống kê từ các địa phương cho thấy tỷ lệ giảm tự nhiên (chết do tuổi già, nhiều bệnh tật nền) của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là người có công là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Chỉ riêng số liệu thống kê số lượng Mẹ Việt Nam Anh hùng cho thấy, năm 2020 có tổng số là 4.962 Mẹ, nhưng đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 2.998 Mẹ.
Do độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 đến 95 tuổi), việc thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là điều chỉnh ngay mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng ở mức cao nhất, là rất cần thiết.
Trong thực tế, với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh, có thể nói, giai đoạn 10 năm tiếp theo (2024-2034) là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Do đó, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết của Quốc hội và cụ thể hóa thực hiện chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Trong thực tế, với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh, có thể nói, giai đoạn 10 năm tiếp theo (2024-2034) là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công dựa trên hai nguyên tắc sau.
Thứ nhất, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng giữ nguyên mối tương quan giữa các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hiện hành so với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo số tiền tuyệt đối được điều chỉnh tăng bằng với tỷ lệ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 35,7%.
Thứ hai, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng năm, một lần và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.
Với mức chuẩn hiện hành đang áp dụng tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP là 2.055.000 đồng, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là 30.290 tỷ đồng.
Còn khi nâng mức chuẩn lên 2.789.000 đồng, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm 5.339 tỷ đồng.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe với người có công với cách mạng được thực hiện kể từ ngày 1/1/2025.
Lý giải về thời điểm triển khai quy định này, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe của người có công được thực hiện dưới hai hình thức là điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà.
Theo quy định tại Điều 86 và Điều 87 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau. Do đó, nếu quy định thời điểm thực hiện chế độ điều dưỡng theo mức chuẩn trong dự thảo Nghị định được trình kể từ ngày 1/7/2024, chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo 2 mức chuẩn. Đó là: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2.055.000 đồng, 6 tháng cuối năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2.789.000 đồng.
Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2024.
Vì vậy, để bảo đảm các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi tính theo mức chuẩn 2.055.000 đồng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng theo mức chuẩn kể từ ngày 1/1/2025.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất sửa đổi cơ cấu nội dung chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung.
Trong năm 2025, với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 2.789.000 đồng, mức chi chế độ điều dưỡng tập trung là 5.020.000 đồng, tăng cao hơn so với mức chi năm 2024 là 1.321.000 đồng và năm 2023 là 2.097.000 đồng.
Hiện nay, người có công với cách mạng đều có mong muốn được đi tham quan ở nhiều nơi, trong khi mức chi điều dưỡng tập trung các năm trước còn thấp. Vì vậy, các địa phương và các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng chưa có điều kiện để đưa đối tượng đi tham quan được nhiều hơn.
Đến năm 2025, mức chi chế độ điều dưỡng tập trung tăng cao nên đã góp phần đáp ứng nguyện vọng của đối tượng. Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị điều chỉnh cơ cấu nội dung chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung.
Ước tính trong năm 2025, với cơ cấu điều dưỡng tập trung là 23% tổng số đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm, khoản kinh phí bảo đảm chế độ điều dưỡng với mức chuẩn 2.789.000 đồng là 1.453 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 383 tỷ đồng so với năm 2024.
Như vậy, với thời điểm thực hiện như trên và mức chuẩn là 2.789.000 đồng, nhu cầu kinh phí bảo đảm là 37.082 tỷ đồng.