Năm 2024 thiết lập nhiều kỷ lục về thiên tai khốc liệt

Năm 2024, bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây tàn phá nhiều khu vực nó đi qua. Những trận mưa lớn lịch sử gây ngập úng kéo dài hàng tháng trời, hàng loạt hồ đập đe dọa an toàn...

Những con số khốc liệt về mưa lũ

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra những phân tích, đánh giá khí hậu nổi bật từ tháng 1-12/2024 trên phạm vi cả nước. Theo đó, trong năm 2024, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 11 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Ông Lâm cho biết, số lượng bão/ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN: 11-13 cơn). Mùa bão năm 2024 đến phù hợp với TBNN (30/5/2024) và kết thúc (25/12) muộn hơn.

Năm 2024 ghi nhận nhiều loại hình thiên tai phức tạp.

Năm 2024 ghi nhận nhiều loại hình thiên tai phức tạp.

Trong đó, ông Lâm cho biết, có 5 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta gồm: bão số 2 (Prapiroon), bão số 3 (Yagi), bão số 4 (Soulik), bão số 6 (Trà Mi) và bão số 7 (Yinxing).

Đặc biệt, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. "Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây", ông Lâm nhận định.

Cũng theo ông Lâm, từ tháng 1-12/2024, trên cả nước xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong đó, đợt mưa lớn từ đêm 6-12/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sau ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão này, ở Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Tại 83/84 trạm đo ở Bắc Bộ, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với TBNN trong 10 ngày đầu tháng 9 như: Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với TBNN cùng thời kỳ.

Theo các chuyên gia khí tượng, đợt mưa này đã gây lũ lớn ở Bắc Bộ và gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi và trung du. Ngoài ra, trong các tháng năm 2024, tại nhiều nơi đã xảy ra giá trị tổng lượng mưa tháng và ngày vượt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.

Đề phòng thiên tai cực đoan trong thời gian tới

TS Hoàng Phúc Lâm thông tin, năm 2024 xuất hiện 21 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta và gây ra 4 đợt rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó, đợt KKL vào ngày 20/1 và được tăng cường vào 22/1 kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao đã gây ra đợt rét đậm, rét hại từ 22-29/1 ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; riêng thời kỳ từ 23-28/1 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại; một số nơi thuộc vùng núi cao Bắc Bộ xuất hiện băng giá như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng),...

Tại trạm Mẫu Sơn quan trắc được nhiệt độ thấp nhất là -3 độ; trên Vịnh Bắc Bộ ghi nhận được gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Ngoài ra, đợt KKL ngày 11/12 gần đây đã gây ra đợt rét đậm diện rộng đầu tiên của mùa Đông Xuân năm 2024-2025 ở khu vực Bắc Bộ trong ngày 14-15/12/2024; riêng ở khu vực vùng núi Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ghi nhận ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 3,2 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 5,2 độ…

Dự báo về các hình thái thời tiết cực đoan trong giai đoạn từ nay đến giữa năm 2025, TS. Lâm nhận định, La Nina đang hoạt động, thiên tai cực đoan có khả năng xảy ra.

Nhận định tháng 2 tới, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh, kèm theo đó là các đợt rét đậm, rét hại. Tình trạng này có thể đi kèm sương muối, băng giá tại khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và mưa đá cũng dự kiến xảy ra trên phạm vi toàn quốc, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và sức khỏe người dân.

Trước các hình thái thời tiết trên, ông Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn. Các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-2024-thiet-lap-nhieu-ky-luc-ve-thien-tai-khoc-liet-169250116160103726.htm