Năm 2024, thu nhập trung bình của người lao động tăng 8,5% so với năm trước
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2024, thị trường lao động của Việt Nam đã có sự khởi sắc khi số lượng lao động có việc làm tăng và tình trạng thiếu việc làm có xu hướng giảm, thu nhập trung bình của người lao động tăng lên đáng kể.
Năm 2024, lực lượng lao động của Việt Nam đã đạt 53 triệu người
Tính chung năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53 triệu người, tăng 575 nghìn người so với năm 2023. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị đạt gần 20,4 triệu người, chiếm 38,5% lực lượng lao động của cả nước; lực lượng lao động nữ đạt gần 24,7 triệu người, chiếm 46,6%.
Lao động có việc làm trong quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414.900 người so với quý trước và tăng 639.000 người so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực thành thị là 20,1 triệu người, khu vực nông thôn là 32 triệu người.
Tính chung năm 2024, số lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585.000 người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,9 triệu người, tăng 831.200 người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32 triệu người, giảm 246.100 người.
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5%. Khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,4 triệu người, chiếm 33,4%. Khu vực dịch vụ là 20,8 triệu người, chiếm 40,1%.
Ở chiều ngược lại, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 764.600 người, giảm 98.800 người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 1,65%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với quý trước.
Tính chung năm 2024, tình trạng thiếu việc làm có xu hướng giảm, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 1,28%, thấp hơn mức 2,2% ở khu vực nông thôn.
Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý IV năm 2024 thấp hơn so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 5.700 người so với quý trước và giảm 14.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2024 là 2,22%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%.
Cả năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã có sự cải thiện đáng kể, ở mức 2,24%, tuy nhiên vẫn dao động quanh mức 2,2% như thời kỳ trước dịch Covid-19 xuất hiện. Trong năm, cả nước có khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động.
Thu nhập trung bình của người lao động đạt mức 7,7 triệu đồng/tháng
Đặc biệt, một trong những điểm sáng nổi bật của tình hình lao động là thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550.000 đồng so với quý III và tăng 890.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,8 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.
Trong năm qua, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610.000 đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Cục Việc làm, năm 2024 thị trường lao động đã phục hồi và phát triển tích cực, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu về nhân lực. Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và thu hút lao động, trong đó các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ AI, chuyển đổi số, robot, bảo mật thông tin và an ninh mạng, kế toán, các ngành dịch vụ, bảo trì, vận hành máy móc...
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ việc khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động hạn chế; mặt khác, vẫn còn tình trạng kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.
Để bắt kịp tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, thị trường lao động cần có những đột phá cụ thể và vượt qua những rào cản hiện tại. Một trong những giải pháp quan trọng, đó là Việt Nam cần xây dựng thể chế thị trường lao động hiện đại, hội nhập, linh hoạt, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động, giúp cho dịch vụ việc làm phát triển.