Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu thu 190.000 tỉ từ du lịch
Ngành du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, tạo bước chuyển biến có tính đột phá trong liên kết phát triển du lịch với các vùng, địa phương khác trên cả nước.
Chiều 10-1, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành du lịch TP.HCM năm 2024.
Tại đây, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết năm 2023, TP.HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu là 160.000 tỉ đồng.
Phát triển du lịch xanh, bền vững
Ông Hòa cho hay năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu của ngành du lịch đạt tối thiểu 190.000 tỉ đồng.
Phó giám đốc Sở Du lịch nói thêm ngành du lịch tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030. “TP.HCM xác định mục tiêu năm 2024 là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và tạo liên minh kích cầu du lịch. Cạnh đó, TP ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, giới thiệu nền tảng Metaverse, mở nền tảng bản đồ 3D/360 trên phạm vi cả nước” - ông Hòa nói.
Về công tác xúc tiến du lịch, Sở Du lịch tổ chức quảng bá, xúc tiến đến các thị trường nước ngoài như hội chợ IMEX Frankfurt, Roadshow tại Úc, hội chợ IMEX America, hội chợ ITB Asia, hội chợ WTM London… Bên cạnh đó, TP nâng tầm và nâng chất các sự kiện định kỳ hiện có như Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế, Tuần lễ Du lịch, phấn đấu đưa sự kiện Lễ hội Sông nước trở thành sự kiện đặc trưng.
Nên phát triển sản phẩm đặc trưng
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mặc dù lượng khách quốc tế đến TP có tăng trưởng mạnh so với năm 2022 song chỉ mới phục hồi khoảng 60% so với năm 2019, trong khi tỉ lệ này của cả nước là 70%.
Ông Dũng nói thêm: “Lo làm du lịch vào sâu, nghĩ lâu, ra chậm”. Có nghĩa là làm sao cho khách du lịch vào sâu hơn nữa trong vùng đất Việt Nam, nghỉ lâu để chi tiêu và ra khỏi đất nước chậm thôi.
Theo ông Dũng, bên cạnh sự chủ động tham mưu của ngành du lịch phải có sự chủ động “vào cuộc” quyết liệt, đồng bộ như “người trong cuộc” của nhiều ngành khác. Đồng thời nêu cao vai trò của hiệp hội, đơn vị chủ lực ngành du lịch... đầu tư tour tuyến, sản phẩm giới thiệu du lịch hấp dẫn làm sao để du khách “nghe nói ít thôi mà biết nhiều”...
Bên cạnh đó, TP cần một tiêu chí chuẩn cho du khách mà không cần phát sinh thủ tục hành chính để doanh nghiệp tham gia. Đừng để thủ tục hành chính mới trở thành rào cản khi doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm.
Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu của ngành du lịch đạt tối thiểu 190.000 tỉ đồng.
Ngoài chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” thì ngành du lịch có thể lan tỏa mạnh mẽ chương trình này đến các phường, xã, thị trấn theo tinh thần “Mỗi phường, xã một hoạt động thiết thực cho phát triển du lịch”.
Để tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đề nghị ngành du lịch TP.HCM bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chiến lược của ngành.
Cạnh đó, Sở Du lịch tham mưu UBND TP chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 82 của Chính phủ.
Ông Khánh đề xuất: TP đẩy mạnh định hướng xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng. “Ngành du lịch TP.HCM phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu, tạo bước chuyển biến có tính đột phá, lan tỏa trong liên kết phát triển du lịch nội vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng ĐBSCL và các vùng, địa phương khác trong cả nước” - ông Khánh nói.
Ngoài ra, TP xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến du lịch của địa phương phù hợp với định hướng, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. TP nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).
“Bộ VH-TT&DL và Cục Du lịch quốc gia tin tưởng với sự nỗ lực và quyết tâm cao, ngành du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, tập trung thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng vào sự phục hồi, tăng trưởng du lịch Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo” - ông Khánh tin tưởng.•
Cần Giờ tiếp tục phát triển du lịch xanh
UBND huyện Cần Giờ tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, bền vững. Cạnh đó, triển khai định hướng cho các điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Tiếp đến là tuyên truyền cho người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch. Đặc biệt, huyện thường xuyên khảo sát, đánh giá khả năng tiếp cận, sức chịu tải của hệ thống tài nguyên du lịch... Cuối cùng là quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ nói chung và điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng nói riêng.
Ông NGUYỄN VĂN CHÍNH, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin, UBND huyện Cần Giờ
Cần cải thiện cơ sở vật chất cho du lịch
Mặc dù các chương trình du lịch nội đô xuất hiện và mang nhiều nét riêng, đặc sắc nhưng vẫn chưa thật sự tiếp cận và phổ biến nhiều đến du khách trong và ngoài nước.
TP cần cải thiện, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Đồng thời, tăng tính đặc sắc cho sản phẩm thông qua kết hợp câu chuyện được lồng ghép vào sản phẩm và đề cao tính trải nghiệm hơn nữa cho du khách. Song song đó, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch di tích lịch sử - văn hóa trong lòng TP hiện đại, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch.
Ông TRẦN QUANG DUY, CEO Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt
Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-2024-tphcm-dat-muc-tieu-thu-190000-ti-tu-du-lich-post771224.html