Năm 2024, xâm nhập mặn sẽ đến sớm và sâu

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, dự báo mới nhất của cơ quan chuyên môn vẫn khẳng định, năm nay, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang khảo sát vị trí đắp 3 đập thép trên địa bàn huyện Cai Lậy để ngăn mặn, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái.

Xâm nhập mặn sẽ đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như năm 2015 - 2016.

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn năm 2024 sẽ đến sớm và sâu hơn các năm 2021, 2022, 2023. Tuy nhiên, tùy thời điểm cực đoan (tháng 3, 4), độ mặn 4g/l có thể lấn sâu vào các cửa sông từ 60 - 65 km.

Tiền Giang quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây.

Do đó, để chủ động ứng phó hạn, mặn, tinh thần là tỉnh phải thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến của xâm nhập mặn để chủ động phòng, chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, hiện ngành Nông nghiệp lo nhất là các huyện phía Tây của tỉnh - vùng sầu riêng có giá trị kinh tế cao.

Do đó, mới đây, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo Giải pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn cho vùng sản xuất cây ăn trái mùa khô năm 2023 - 2024.

Tiền Giang đã đề ra giải pháp ứng phó hạn, mặn cho từng vùng.

Bên cạnh việc ngăn mặn, cần tính đến giải pháp dẫn dòng nước về các mương vườn cây ăn trái để ém phèn, đảm bảo cây sinh trưởng không bị thiệt hại trong mùa khô hạn.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Phương án phòng chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh.

Trong phương án này, tỉnh Tiền Giang đã đề ra các giải pháp cụ thể để ứng phó xâm nhập mặn cho từng vùng.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202312/nam-2024-xam-nhap-man-se-den-som-va-sau-997352/