Năm 2024, xuất khẩu nông sản tăng trưởng ngoạn mục vượt 62 tỉ USD
Năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành nông sản đạt con số cao nhất lịch sử là 62,4 tỉ USD, trong đó dẫn đầu tăng trưởng là xuất khẩu cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây, cho thấy, năm 2024 là một năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước ước đạt trên 62 tỉ USD, tăng trên 18% so với năm 2023; đáng chú ý, xuất siêu đạt kỷ lục gần 19 tỉ USD, tăng đến 53% so với năm 2023.
Dẫn đầu tăng trưởng trong nhóm hàng nông sản là xuất khẩu cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Có đến 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ với khoảng 16 tỉ USD, rau quả đạt 7,1 tỉ USD, gạo đạt 5,8 tỉ USD, cà phê 5,4 tỉ USD, hạt điều 4,3 tỉ USD, tôm 3,8 tỉ USD, cao su 3,2 tỉ USD.
Đánh giá những kết quả ấn tượng của ngành trong năm 2024, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng thời bày tỏ tin tưởng những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký được các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng trưởng rất lớn. Không chỉ tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở cửa ở những thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal ở Trung Đông.
“Trước đây chúng ta bán ra thị trường những gì ta có nhưng bây giờ đã bán những sản phẩm mà thị trường cần. Chúng ta đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm hiểu những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Tổ chức sản xuất là động lực còn thị trường chính là đầu kéo” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ những lo ngại, trong đó với những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức với hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Những thách thức có thể xảy ra khi các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản, trong đó những quốc gia chịu tác động có cả Việt Nam.
Để thích ứng với những thách thức mới, các ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thúy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản…