Năm 2025: 80% người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.

Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật; ...

Để đạt được các mục tiêu, Chương trình đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện như sau: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động lao động. Cụ thể là rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp và hướng dẫn điều trị các bệnh nghề nghiệp.

Cùng với việc nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cần xây dựng bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp trong tình hình mới (tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định); quản lý về an toàn lao động trong sử dụng thang máy.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện phương pháp xác định nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, gắn với các chỉ tiêu đánh giá điều kiện lao động trong xu thế hội nhập quốc tế.

Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tiếp tục kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn, vệ sinh lao động (ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; điều tra, thu thập số liệu thống kê), ưu tiên vào các dữ liệu về điều kiện lao động của người làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động.

Triển khai tin học hóa trong hoạt động quản lý, bảo đảm đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin trong công tác khai báo tai nạn lao động, triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ hai, tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động. Trong đó tập trung vào những nội dung sau: Tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; các hoạt động nâng cao hiệu quả các phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần hoàn thiện chương trình, tài liệu huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Vệ sinh lao động phải thực hiện riêng cho từng đối tượng. Đó là, người sử dụng lao động và người lao động, ưu tiên người làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đối với người nông dân hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân đăng ký cam kết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trước tiên là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hóa chất, xây dựng và một số ngành, nghề khác).

Từng bước nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng phòng thử nghiệm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, máy, thiết bị, công cụ, dụng cụ an toàn lao động đạt chuẩn quốc gia.

Đi liền với hoạt động hỗ trợ kiểm định và triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cần hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua đó, từng bước xây dựng văn hóa an toàn trong lao động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ISO 45001 - 2018).

Thứ tư, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế. Mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động với quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam A (ASEAN).

Tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập.

Thứ năm, quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình thông qua 5 nội dung cụ thể. Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

Hai là, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện Chương trình; chủ động triển khai các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, quản lý và đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

Ba là, xây dựng và triển khai các chương trình hành động để triển khai chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; lồng ghép các hoạt động của Chương trình với các dự án, chương trình khác trong lĩnh vực lao động.

Bốn là, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình; phối hợp, lồng ghép nguồn lực của Chương trình với các nguồn lực hiện có (nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp...) và nguồn xã hội hóa.

Thanh Hà

Tạp chí in số tháng 3/2022

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nam-2025-80-nguoi-lam-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong-duoc-huan-luyen-d28505.html