Năm 2025 Cả nước và TP.HCM đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025: Đường vào Sài Gòn
Suýt soát 50 năm đã qua kể từ ngày Nam Bắc sum vầy. Thời gian trôi nhanh hay chậm là tùy cảm nhận của mỗi người. Riêng với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh giữ nước ấy như mới chấm dứt hôm qua, nhất là mỗi lần trở lại thăm dinh Độc Lập vào dịp hoa dầu bay bay và tiếng ve râm ran mỗi độ cuối xuân đầu hè...
1. Chắc rằng những sĩ quan, chiến sĩ và phóng viên chiến trường tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 ấy còn giữ bao kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm có lẽ ít người nhớ đến vì nó quá bình thường, đó là cái mệt rã rời ập đến ngay sau khi lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ của cơ quan đầu não đối phương. Mệt đến mức ngoài những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ dinh, quản thúc nội các chính quyền Dương Văn Minh, còn lại đều nằm dài trên thảm cỏ trước dinh, nằm dài dưới tán rừng trong khuôn viên dinh. Cứ tưởng nằm xuống là ngủ vùi ngay vì đã nhiều ngày, nhiều đêm vừa đi, vừa chạy, vừa nhai lương khô để “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường, giải phóng miền Nam”, nhưng chẳng ai nhắm mắt được bởi niềm vui cứ lâng lâng đã vào tới Sài Gòn, bởi nỗi đau đồng đội vừa ngã xuống cứ khắc khoải.
Bỗng một cơn gió chuyển mùa từ hướng sông Sài Gòn ào qua khuôn viên dinh Độc Lập, và không phải mưa mà là chấp chới chấp chới những cánh hoa dầu quay tít, chao nghiêng nhuộm một khoảng không màu nâu đỏ rồi từ từ đậu xuống người chúng tôi, đậu xuống tháp pháo, đậu xuống bánh xích những chiếc xe tăng lấm lem bùn đất. Tôi ngồi bật dậy nhặt những cánh hoa dầu quanh mình cho vào mũ tai bèo với ý nghĩ thoáng qua là để thay hoa vạn thọ thắp hương tưởng nhớ đồng đội hy sinh trên những nẻo đường chiến tranh.
Rồi lại bỗng ran ran tiếng ve làm rung chuyển cả vòm xanh bao quanh dinh Độc Lập, chạy dài theo đường Hồng Thập Tự, đường Huyền Trân Công chúa… đúng như nhà thơ Vương Trọng viết sau này: Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/ Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mới hé thôi/ Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve…
Tôi không nhớ vì sao lúc ấy mình lại nhanh tay lấy máy ghi âm từ ba lô con cóc, lập tức ấn nút ghi lại cái âm thanh rất quen thuộc như giữa rừng già miền Đông Nam Bộ mỗi khi hè về nhưng lại quá đổi lạ lẫm giữa phố thị khi tiếng súng vừa dứt. Mà đã dứt đâu, những tràng đại liên M60 bên kia đường Hồng Thập Tự bỗng chát chúa từng tràng dài, át cả tiếng ve.
Đêm ấy, mấy phóng viên chiến tranh chúng tôi được phân công trú tạm ở một biệt thự trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) mà chủ đã di tản.
2.Đầu mùa khô 1974 - 1975, nhiều phóng viên của các cơ quan truyền thông của Trung ương Cục Miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền được điều đi chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sau khi tham gia chiến dịch đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975) - là chiến dịch có ý nghĩa như một đòn trinh sát chiến lược, thử sức đôi bên cũng như thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, chúng tôi được lệnh lên Tây Nguyên, theo các cánh quân đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.
Sau này chúng tôi được biết, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch tác chiến hai năm 1975 – 1976, trong đó, năm 1975 phải tiến công lớn, rộng khắp, trước hết chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính, tạo điều kiện đến năm 1976 tổng công kích, giải phóng miền Nam. Hai ngày trước khi cuộc họp kết thúc, Bộ Chính trị nhận được đầy đủ tin chiến dịch đường 14 - Phước Long thắng lợi hoàn toàn nên đã có thêm một phương án khác, cực kỳ quan trọng: Nếu thời cơ đến đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp xác định nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, gợi ý cách đánh táo bạo, bất ngờ khi tiến công Buôn Ma Thuột cho những sĩ quan cao cấp nhất của Quân Giải phóng, và khẳng định, nếu Buôn Ma Thuột thất thủ thì sẽ làm rúng động toàn bộ thế và lực của đối phương.
Mấy ngày sau, cuộc phản kích của Quân đoàn 2 Quân lực Sài Gòn hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột khi đập tan, địch chỉ có hai khả năng, hoặc là co cụm để giữ Pleiku, Kon Tum, hoặc phải rút lui chiến lược. Pleiku bị cô lập, đường 19 đã bị cắt đứt, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân đoàn 2 bỏ Tây Nguyên, rút về duyên hải miền Trung cố thủ để tìm cách phản kích chiếm lại địa bàn chiến lược trọng yếu này, nhưng cuộc rút lui ấy đã biến thành cuộc tháo chạy hoảng loạn, bị Quân Giải phóng tiêu diệt phần lớn lực lượng, tạo ra phản ứng dây chuyền cả về quân sự lẫn chính trị đối với chính quyền Sài Gòn, cả Chính phủ Mỹ, đẩy nhanh quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.
Thời cơ chiến lược mới đã đến, điều kiện giải phóng miền Nam trong năm 1975 đã chín muồi, Bộ Chính trị chủ trương giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa!
Sáng 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đánh đi bức điện gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Ngày 20/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý với Bộ Tư lệnh tiền phương cho đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. 24 giờ ngày 29/4/1975 - giờ G của đại quân tiến vào Sài Gòn. Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau, mọi sự kháng cự của đối phương bị đè bẹp.
3. Ngày đầu tiên tôi biết Sài Gòn là ngồi sau xe máy một nữ ký giả “đối phương” tên là Huỳnh Cẩm Nhung, chạy từ tòa nhà 174 đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu ngày nay) ra bến Bạch Đằng, theo rạch Bến Nghé rồi kênh Tàu Hũ vào Chợ Lớn. Chỉ mới vài ba chục tiếng đồng hồ Nam Bộ dứt hẳn tiếng súng, Sài Gòn gần như trở lại sinh hoạt bình thường. Tôi không bị choáng ngợp bởi Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có những con đường dài tít tắp với san sát cửa hàng, cửa hiệu, không choáng ngợp bởi chợ Bến Thành bán lẻ, chợ Bình Tây bán sỉ đèn điện sáng choang, người bán hàng luôn lễ phép dù người mua có mua hay không, có trả giá quá thấp hay không, mà choáng ngợp bởi tình người dành cho nhau, nhất là dành cho chúng tôi - những người lính mà với không ít người, vừa đánh bại họ.
Nữ ký giả chở tôi “đi cho biết Sài Gòn” là một trong nhiều nhà báo của 23 tờ báo đối lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm đến nhật báo Sài Gòn Giải phóng - Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam xuất bản ở Sài Gòn để sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp bài vở, cả phương tiện làm việc và giấy mực in báo.
Có hôm đi làm phóng sự, đạp mãi chiếc xe Honda 67 không nổ máy, tôi hì hụi dẫn bộ thì có người kêu tấp vô lề đường, đem đồ nghề ra sửa giúp. Tôi xin trả tiền công, người sửa xe trạc tuổi trung niên không những không lấy mà còn cho tôi một cái bugi NGK mới tinh để dự phòng. Có hôm vào Chợ Lớn, xe chẳng còn chút nhiên liệu nào, đang hỏi có nơi nào bán xăng, chị chủ tiệm chạp phô đổ cho tôi nửa bình, cậu Giải phóng dùng đỡ xăng chị trữ được và nhất khoát không nhận tiền. Đến bây giờ tôi vẫn thấy quá ấm áp bởi cái tình của bà con cô bác Sài Gòn đối với lính Giải phóng.
Khi đón Bí thư Thứ nhất Lê Duẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi nghe ông nói, đại ý, giải phóng miền Nam là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai. Nhờ chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc mà sau khi đất nước thu về một cõi đã có một Việt Nam thống nhất, dần dần phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập sâu với toàn thế giới…