Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên

HĐND TP. Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu 8% trong năm 2025, đồng thời đề ra các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô 2024.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, tối ưu hóa nguồn lực phát triển

Tại Kỳ họp thứ 21 ngày 25/2, HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết bổ sung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt tối thiểu 8%.

Các chỉ tiêu cụ thể gồm: khu vực dịch vụ tăng từ 8,6% trở lên, công nghiệp tăng từ 7%, xây dựng tăng từ 8,9%, nông nghiệp tăng từ 3,1%, thuế sản phẩm tăng từ 5,7%. GRDP bình quân đầu người đạt 175 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 622,7 nghìn tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát dưới 5%.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong kỳ họp.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong kỳ họp.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là nhiệm vụ Chính phủ giao Hà Nội tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025. Trên cơ sở đó, UBND TP đã trình đề xuất điều chỉnh mức tăng trưởng từ 6,5% (theo Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 10/12/2024) lên tối thiểu 8%, thể hiện quyết tâm của Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu HĐND Thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực trọng điểm như thu hút đầu tư, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng và phát triển du lịch.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố cũng kiến nghị UBND Thành phố xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương để đảm bảo triển khai hiệu quả. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh tên Nghị quyết thành "Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên" để phản ánh đúng nội hàm.

HĐND Thành phố thống nhất với đề xuất của UBND Thành phố về điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, bảo đảm tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô 2024.

Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, cũng như Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065.

Về tổ chức bộ máy, Hà Nội đặt mục tiêu sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ phân cấp, ủy quyền triệt để theo từng ngành, lĩnh vực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực có nhiều giao dịch như tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động, bảo hiểm, thuế… Thành phố cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đạt trên 95% trong năm 2025.

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

Về đầu tư và công nghiệp, Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân, phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh. Dự kiến, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trên 2%, vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng trên 18%, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD. Hà Nội cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hóa dược, công nghiệp hỗ trợ...

Hạ tầng công nghiệp được đẩy mạnh với mục tiêu hoàn thành 25 cụm công nghiệp đã khởi công, thu hút đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy 25%, khởi công mới 18 cụm công nghiệp và 1 khu công nghiệp, mở rộng 15 - 20 cụm công nghiệp khác. Đồng thời phát triển công nghiệp ICT, hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phấn đấu có 20 - 25 doanh nghiệp với 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Về thương mại và tiêu dùng, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trên 14%.

Về du lịch, Thành phố tập trung khai thác các sản phẩm du lịch mới, mở thêm tour du lịch golf, các phố đi bộ gắn với ẩm thực, xây dựng tổ hợp thể thao - giải trí - du lịch đêm tại Trường đua xe Nam Từ Liêm.

Các đại biểu tham gia biểu quyết.

Các đại biểu tham gia biểu quyết.

Hà Nội cũng dự kiến tổ chức nhiều hội chợ du lịch, chương trình xúc tiến quảng bá, phấn đấu đón 31 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 125.300 tỷ đồng, tăng hơn 13%.

Về xuất khẩu, Thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7% trở lên.

Hà Nội tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông để hình thành các khu vực đô thị mới. Trong đó, Thành phố phía Tây sẽ đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát. Thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai), mở rộng Quốc lộ 6, trục Tây Thăng Long…

Ngoài ra, Thành phố chuẩn bị đầu tư phát triển 5 trục động lực chính gồm: trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài, trục Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nam-2025-ha-noi-phan-dau-tang-truong-grdp-dat-8-tro-len-d249127.html