Năm 2025: IPO ở Đông Nam Á phục hồi, cổ phiếu công nghệ đóng vai trò trung tâm

Nhiều dự báo cho rằng, thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Đông Nam Á sẽ nhộn nhịp hơn trong năm mới 2025. Lãi suất cắt giảm ở nhiều khu vực trên thế giới có khả năng thúc đẩy các thương vụ IPO ở khu vực này gia tăng. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu công nghệ được dự đoán là sẽ đóng vai trò trung tâm trong sự phục hồi IPO của Đông Nam Á.

Các sàn chứng khoán ASEAN thu hút được hơn 3 tỉ đô la từ các thương vụ IPO từ đầu năm 2024 đến nay, với Malaysia, Thái Lan và Indonesia là ba thị trường có thành tích tốt nhất. Ảnh: Reuters / Nikkei Asia

Các sàn chứng khoán ASEAN thu hút được hơn 3 tỉ đô la từ các thương vụ IPO từ đầu năm 2024 đến nay, với Malaysia, Thái Lan và Indonesia là ba thị trường có thành tích tốt nhất. Ảnh: Reuters / Nikkei Asia

Năm 2024 ảm đạm

Báo cáo Thị trường vốn Đông Nam Á năm 2024 của Deloitte công bố giữa tháng 11-2024 cho thấy sự suy giảm mạnh các thương vụ IPO trong khu vực trong 10 tháng rưỡi đầu năm 2024, với chỉ 122 đợt IPO huy động được 3 tỉ đô la, so với 163 đợt IPO gọi được 6 tỉ đô la so với cùng kỳ 2023. Malaysia chiếm 53%, kế đến là Thái Lan 26% và Indonesia 12%.

Trong đó, Sàn chứng khoán Bursa Malaysia được xem là thành tích tốt nhất trong sáu năm qua, với 46 đợt IPO và huy động được 1,5 tỉ đô la tính đến tháng 10. Sau báo cáo của Deloitte, Malaysia có thêm chín đợt IPO. Nổi bất nhất là chuỗi cửa hàng tiện lợi 99 Speed Mart gọi được 574 triệu đô la. Đây là đợt IPO lớn nhất trong năm của khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng thành công của Malaysia bắt nguồn từ hai yếu tố chính. Đó là, cải cách trong nước và sự chuyển hướng có chủ đích sang các đợt IPO nhỏ hơn trong nước. Sàn ACE Market của Bursa Malaysia được thiết kế riêng cho cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là “nam châm” thu hút các startup công nghệ và tăng trưởng với 39 đợt niêm yết từ đầu năm đến nay.

Thái Lan, thị trường chứng khoán lớn thứ hai Đông Nam Á cũng bị trì kéo trong năm nay. Nhà chức trách đã yêu cầu các công ty sắp lên sàn nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán trong ba năm, khiến quá trình IPO chậm lại. Số tiền huy động được chỉ còn 756 triệu đô la, giảm 42% so với mức 1,3 tỉ đô la của năm 2023.

Indonesia thường dẫn đầu về IPO trong khu vực. Tuy nhiên, mức gọi vốn trong năm 2024 chỉ đạt 368 triệu đô la, giảm 90% từ con số 3,6 tỉ đô la của năm ngoái. Cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 2 và kinh tế trì trệ trong suốt năm 2024 là hai nguyên nhân chính khiến thị trường IPO xứ vạn đảo suy sụp.

Sau báo cáo của Deloitte, chi nhánh Indonesia của chuỗi tân trang nhà cửa Mr.DIY của Malaysia đã lên sàn hôm 19-12, gọi được 4.150 tỉ rupiah (257 triệu đô la). Tuy vậy, khối tiền này vẫn không thể bù đắp cho tình hình trầm lắng của năm nay.

Philippines chỉ có ba đợt IPO nhưng đã huy động được 203 triệu đô la, tăng mạnh so với mức 81 triệu đô la vào năm 2023. Singapore có bốn đợt IPO so với sáu trong năm ngoái, và số vốn huy động giảm nhẹ còn 34 triệu đô la.

Sự tập trung vào các đợt IPO nhỏ hơn và theo từng ngành đang trở thành xu hướng chính trên toàn thị trường chứng khoán khu vực. Trong bối cảnh không có các đợt niêm yết lớn, các ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng công nghiệp và năng lượng tái tạo nổi lên, trở thành những ngành hàng dẫn đầu trong năm nay, chiếm gần 70% tổng vốn các vụ IPO. Năm ngoái, 10 vụ niêm yết lớn nhất chỉ chiếm 60% số vốn gọi được.

Nhiều nhà phân tích đánh giá, các vụ niêm yết nhỏ hơn nhưng chứng tỏ các công ty lên sàn có khả năng hồi phục tốt hơn, và họ đã chứng thực được khả năng này trên thị trường cổ phiếu địa phương.

Các startup sẽ "trở về quê"

Theo Hãng kiểm toán PwC, thị trường sẽ hồi phục trong năm 2025 khi môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Dự đoán, lãi suất cắt giảm ở nhiều khu vực trên thế giới có khả năng thúc đẩy các thương vụ IPO ở Đông Nam Á gia tăng.

Tay Hwee Ling, chuyên gia thị trường vốn hàng đầu tại Deloitte Đông Nam Á, dự báo xu hướng các startup Đông Nam Á đổ xô sang Mỹ để niêm yết trên sàn New York hay Nasdaq sẽ chậm lại. Các công ty trước đây như Grab đã thành công trong việc huy động vốn vòng đầu tiên nhưng sau đó gặp thách thức do bị chú ý hoăc khối lượng giao dịch hạn chế.

Vốn cổ phần tư nhân cũng đã tham gia vào cuộc chơi, được xem như như một lực lượng góp phần ổn định thể trạng các công ty trước thềm IPO. Theo báo cáo của quỹ mạo hiểm Golden Gate Ventures và trường kinh doanh INSEAD, các quỹ đầu tư tư nhân và vốn mạo hiểm đang ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho các startup công nghệ Đông Nam Á, tạo ra một chuỗi các công ty chuẩn bị lên sàn trong vài năm tới.

Báo cáo ước tính có 700 đợt thoái vốn, bao gồm cả IPO và các giao dịch bán trên thị trường thứ cấp sau khi cổ phiếu đã niêm yết (trade sales) trong giai đoạn 2023-2025, là do các công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực và các đợt rót vốn giai đoạn cuối thúc đẩy.

Bức tranh 2025 sẽ tươi tắn hơn

Cổ phiếu công nghệ dự kiến sẽ đóng vai trò trung tâm trong sự phục hồi IPO của Đông Nam Á. Tình trạng đối đầu công nghệ Mỹ - Trung đã thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính trên khắp khu vực.

Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, sự gia tăng của các doanh nghiệp sử dụng AI và các startup năng lượng tái tạo là động lực chính cho hoạt động IPO trong tương lai. Đông Nam Á đang trở thành một nút thắt quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, giúp thu hút vốn đầu tư cho các startup ASEAN.

Các sàn chứng khoán của Malaysia, Thái Lan và Indonesia tiếp tục chứng tỏ là sự lựa chọn cho nhà đầu tư trong năm 2025. .

Malaysia dự kiến sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc, với các ưu đãi chính như thời gian phê duyệt IPO ngắn hơn, giảm thuế và chuyển dịch nhanh chóng từ thị trường ACE sang thị trường chính. Trong báo cáo của ngân hàng CIMB tuần rồi, Ivy Ng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Malaysia tại ngân hàng này, cho rằng thị trường chứng khoán Malaysia vẫn tích cực. Mức tăng trưởng trong năm 2025 dự kiến là 8%, do các ảnh hưởng tích cực của giai đoạn 2022-2024.

Các chính sách cải cách và khuyến khích các vụ IPO công nghệ và chăm sóc sức khỏe tại Thái Lan giúp nhà đầu tư nước ngoài khôi phục niềm tin vào thị trường chứng khoán Thái Lan (SET)

Tân Tổng thống Prabowo Subianto chính thức nhậm chức hồi tháng 10, giúp thị trường chứng khoán IDX của Indonesia an tâm hơn và sẵn sàng hội phục, nhất là các vụ IPO liên quan đến ngành năng lượng và tài nguyên, với 66 công ty đang chuẩn bị kế hoạch lên sàn trong năm 2025.

Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump vẫn sẽ là lá bài úp với nhiều thị trường. Sự hồi sinh của các chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" có thể đảo ngược tham vọng IPO của Đông Nam Á. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các rào cản thương mại và xung đột địa chính trị đã tạo ra sự ngăn cách lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình hình này sẽ tiếp tục tái diễn sau khi ông Trump chính thức nắm quyền từ tháng 1-2025.

MIDF (Viện nghiên cứu tài chính phát triển công nghiệp Malaysia) tin rằng, sự biến động của thị trường chứng khoán sẽ dễ dự báo hơn và đây sẽ là một dấu hiệu đặc trưng của thị trường trong năm 2025.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nam-2025-ipo-o-dong-nam-a-phuc-hoi-co-phieu-cong-nghe-dong-vai-tro-trung-tam/