Năm 2025 lãi suất cho vay sẽ ra sao khi huy động vẫn chịu áp lực tăng?

Một số chuyên gia cho rằng lãi vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãi suất huy động vẫn đang chịu áp lực tăng. (Ảnh: Vietnam+)

Lãi suất huy động liên tục tăng trong những tháng cuối năm 2024 trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam đứng trước sức ép lớn khi tiền đồng yếu đi dưới nhiều áp lực.

Bởi vậy, một kịch bản mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ đã được nhiều nhà phân tích nhắc đến.

Lãi suất huy động đang chịu áp lực tăng

Sau khi về mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ, mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu nhích lên từ tháng 4/2024 do dòng tiền nhàn rỗi của người dân có xu hướng rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư - kinh doanh có khả năng sinh lời tốt hơn. Xu hướng tăng lãi suất huy động trở nên rõ rệt hơn từ tháng 6/2024, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng Năm (so với cuối năm 2023) lên 6,1% vào cuối tháng Sáu.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng đã vượt mức 6%/năm. Cho đến cuối tháng 11, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại ở mức 5%/năm, tăng 0,14%/năm so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối vẫn ở mức 4,7%/năm, thấp hơn 0,26%/năm so với đầu năm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động niêm yết đã tăng 0,5%/năm từ đáy và vẫn ở mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh.

Theo thống kê đã có tới 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12 gồm: Techcombank, BVBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất hai lần trong tháng.

Trong số này, VIB, IVB, ABBank, GPBank là những ngân hàng đồng thời giảm lãi suất huy động từ đầu tháng. Các ngân hàng Bac A Bank, LPBank, NCB đã giảm lãi suất huy động trong tháng này.

Ngày hôm nay cũng là ngày thứ 4 liên tiếp thị trường không ghi nhận ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất dành cho khách VIP cao nhất lên tới 9,5%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất dành cho khách hàng VIP là 9,5%/năm được PVCombank áp dụng với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, trong khi lãi suất niêm yết cho khách thông thường chỉ 4,8%-5%/năm. Điều kiện là khách hàng phải gửi số tiền từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Khách hàng VIP tại HDBank cũng có cơ hội hưởng mức lãi suất lên tới 8,1%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 7,7%/năm khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất đặc biệt này cao hơn từ 2,2%-2,4%/năm so với lãi suất dành cho khách hàng thông thường. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn áp dụng lãi suất huy động bậc thang cho khách gửi tiền. Bac A Bank áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất dành cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên là 6,15%/năm (kỳ hạn 18-36 tháng). Mức lãi suất này cao hơn 0,2%/năm so với lãi suất dành cho khách hàng gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng tiền gửi toàn hệ thống tính đến ngày 7/12/2024 đạt khoảng 14.800.000 tỷ đồng, tăng 7,36% so với đầu năm, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng là 12,5%. Các chuyên gia phân tích ước tính, lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 0,2%/năm vào cuối năm, dao động trong khoảng 5,1%-5,2%/năm do tăng trưởng tín dụng đang cao hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Lãi suất cho vay sẽ tăng nhưng không quá mạnh

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,44% so với năm 2023.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực xây dựng cho biết nhu cầu thị trường khởi sắc nên trong quý 3, một số đơn hàng lớn đã quay trở lại. Hiện, số đơn hàng tại doanh nghiệp tăng khoảng 20%-30% so với cùng kỳ, kéo theo nhu cầu vay vốn lưu động tăng lên.

"Chúng tôi đang có hạn mức tín dụng với lãi suất 6%, thấp hơn khoảng 3% so với năm ngoái. Mức lãi suất này tương đối hợp lý với doanh nghiệp," vị Giám đốc này nói.

Các doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức hợp lý. (Ảnh: Vietnam+)

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực nhận định, lãi suất tiết kiệm đi lên đặt áp lực lên lãi suất đầu ra. Hiện, lãi suất tiết kiệm nhích tăng tại một số ngân hàng tư nhân cũng là áp lực với lãi suất đầu ra. Ngoài ra, nợ xấu cũng là áp lực khiến các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, thu hẹp biên lợi nhuận, qua đó ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi vay.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động hiện cao hơn khoảng 0,5% so với mức đáy thiết lập trong quý 2 và vẫn thấp hơn giai đoạn COVID-19. Đà tăng của lãi suất tiết kiệm diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Dự đoán về lãi vay trong năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng lãi vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng năm 2025 vừa công bố, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh USD được dự báo mạnh lên trong năm 2025. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Dự báo năm 2025, VCBS nhận định nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.”

Chuyên gia của VCBS nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng tốc độ lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước COVID-19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025."

Chuyên gia của Công ty chứng khoán này cũng dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Giải trình của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội mới đây cũng cho rằng giảm tiếp lãi suất vay thời gian tới là rất khó khăn. Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua trong khi nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tăng, sẽ là áp lực với mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, việc giảm lãi suất trong nước cũng gia tăng lên áp lực tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nam-2025-lai-suat-cho-vay-se-ra-sao-khi-huy-dong-van-chiu-ap-luc-tang-post1003877.vnp