Năm 2025-năm đột phá về cung cấp Dịch vụ công trực tuyến
Năm 2024, toàn tỉnh có 364.780 hồ sơ thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, tạo động lực để bước sang năm 2025 được xác định là năm đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình ti các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Năm 2024, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc đề xuất, sáng kiến, giải pháp mới trong giải quyết TTHC nói chung, cung cấp DVCTT nói riêng. Trong đó, tập trung về đề xuất cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi cho người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC. Các cơ quan, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cắt giảm 3.640 giờ giải quyết TTHC, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, một số mô hình, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp DVCTT đang được triển khai, phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân trong việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Tiêu biểu là các đơn vị: Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh triển khai thí điểm “Một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy”; Sở Thông tin và Truyền thông với giải pháp mã hóa mã số hồ sơ dưới dạng QR Code và bổ sung mã QR trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thao tác quét QR đã dễ dàng tra cứu thông tin hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; UBND huyện Kim Sơn xây dựng mô hình “Ngày không viết, ngày không hẹn”; UBND xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp với các giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn xã, đặc biệt là áp dụng các giải pháp tuyên truyền người dân thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và cấp căn cước cho công dân từ 0-dưới 14 tuổi trên địa bàn xã…
Đồng chí Phạm Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cho biết: Thông qua việc triển khai các mô hình, sáng kiến, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng thực hiện DVCTT, tuyên truyền giúp người dân hiểu được những lợi ích của ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 mang lại khi thực hiện DVCTT. Qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT; từng bước thay đổi thói quen của người dân từ việc nộp hồ sơ TTHC trực tiếp sang trực tuyến, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.
Là điểm sáng trong thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, huyện Yên Mô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo xếp loại, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC năm 2024, huyện Yên Mô có nhiều tiêu chí đạt cao theo xếp loại, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC như: Công khai, minh bạch đạt 17,4/18 điểm; DVCTT đạt 16,6/18 điểm; mức độ hài lòng đạt 18/18 điểm…
Huyện có 100% danh mục TTHC toàn trình và một phần thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã đã thực hiện cung cấp DVCTT trên Cổng dịch vụ công (Một cửa điện tử) của tỉnh, với 384 TTHC được thực hiện.
Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị có TTHC đều đã thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Công tác tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Yên Mô cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền trên môi trường số, cùng với việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được xác định là yếu tố quan trọng.
Huyện cũng như các xã, thị trấn đã lựa chọn đội ngũ cán bộ là những người có năng lực chuyên môn tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để hướng dẫn, giải quyết các TTHC cho công dân kịp thời, hạn chế việc trả lại hồ sơ; quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các lớp tập huấn để cập nhật các văn bản chỉ đạo mới nhất của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ…
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện giải quyết TTHC theo hướng khuyến khích các cá nhân, tổ chức gửi hồ sơ trực tuyến, tạo kho lưu giữ hồ sơ giấy tờ của cá nhân theo phương thức số hóa và hồ sơ điện tử.
Đến nay, 100% Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp đã triển khai số hóa theo quy định, đặc biệt là số hóa các hồ sơ phát sinh từ 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 75,31%. Nhờ đó, giảm chi phí đi lại, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT trên Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã tích hợp 973 DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100% DVCTT đủ điều kiện cung cấp toàn trình được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Năm 2024, tổng số hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 418.352 hồ sơ; số lượng hồ sơ nộp từ Cổng dịch vụ công quốc gia là 94.320 hồ sơ, trong đó có 364.780 hồ sơ thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Đây là kết quả tạo động lực để bước sang năm 2025 được xác định là năm đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong cung cấp DVCTT, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyn toàn trình ti các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.