Năm 2025, ngân hàng sẽ bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng ra nền kinh tế
Tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô dư nợ toàn hệ thống là 15,6 triệu tỉ đồng. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng tăng 16%.
Nếu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng như trên, hệ thống các ngân hàng sẽ bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng ra nền kinh tế, nâng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ đạt khoảng 18,1 triệu tỉ đồng vào cuối năm nay.
Ngân hàng sẵn sàng đón nhận thêm room khi 'cạn'
Nói về con số này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Con số tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16% chỉ là mục tiêu định hướng mà NHNN đề ra. Tùy vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn. Bởi mục tiêu cao nhất trong điều hành tín dụng là phải ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỉ giá và hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế".
Ngày 30/12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện.
Trước đó, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để các ngân hàng thương mại chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết sẽ triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Nhận định về việc NHNN chủ động giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà không cần các ngân hàng thương mại phải có đơn xin xét duyệt, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết: “Bây giờ NHNN đã chủ động hoàn toàn trong việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà không cần phải xin như ngày trước nữa. Ngay trong ngày cuối của năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng của năm 2025, điều này tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại rất nhiều trong việc triển khai hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2025.
Như trong năm 2024, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại mà ngân hàng thương mại không phải làm công văn để xin bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nữa. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động trong việc đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Chắc chắn cơ chế phân bổ tín dụng của NHNN trong năm 2024 cũng áp dụng tương tự cho năm nay. Tức là mỗi ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng dựa theo điểm xếp hạng của từng ngân hàng theo Thông tư 52/2018, dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau cả về hiệu quả, sự an toàn, sự ổn định, đủ vốn, thanh khoản tốt… Theo đó, một ngân hàng có điểm xếp hạng cao tức là ngân hàng đó hoạt động ổn định và lành mạnh mới được nhà điều hành tin tưởng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao".
"Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đều phải kiểm soát chất lượng tín dụng để đảm bảo rằng tại mọi thời điểm, tăng trưởng tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào cũng không vượt qua mức NHNN đã phân bổ. Hiện nay, có một số ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng 0 đồng thì có thể sẽ được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và nằm trong mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Do đó, cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như hiện nay vừa giúp cho NHNN kiểm soát được tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát nhưng đồng thời cũng phục vụ phù hợp với từng ngân hàng thương mại”, ông Hưng nêu quan điểm.
Ngân hàng tự tin đẩy vốn ra nền kinh tế
Hiện đã có một số ngân hàng nhanh chóng bắt tay triển khai thực hiện kế hoạch năm 2025. Trao đổi với PLO, ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc NamABank, cho biết: “Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã bắt tay vào các kế hoạch kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, NamABank hiện đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng.
Bên cạnh đó, mảng tín dụng xanh chúng tôi tiếp tục duy trì mục tiêu mức độ giải ngân khoảng 8 đến 10% tổng tín dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng dành nguồn lực cho vay hộ kinh doanh cá thể, cho vay mua nhà, mua xe. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cũng sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi. Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2025 sẽ tốt hơn so với năm 2024".
Lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết: Tính đến hết 31-12-2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 13,1%. Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,01 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 15,3% và thị phần tín dụng đứng đầu thị trường, đạt 13,1%. Tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 kiểm soát ở mức 1,3%, theo đúng mục tiêu định hướng của NHNN và tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%. Năm 2025, BIDV được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu là 14%.
Nhận diện khó khăn của ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú cho rằng: "Nợ xấu đang có xu hướng tăng và đây cũng đã được NHNN nhận diện từ lâu. Ngay từ khi có những chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch COVID-19. Nhưng không phải cứ giãn, hoãn là doanh nghiệp nào cũng đảm bảo được khả năng phục hồi của mình. Bởi thực tế là khi chính sách này hết hiệu lực vào cuối năm 2024, vẫn còn có nhiều khoản vay đến hạn phải trả. Song trên thực tế, có những doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền và chưa thể trả được khoản nợ đó”.
Theo nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MB (MBS), sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021 đến 2025.