Năm 2025, tập trung xử lý 6 nhóm hành vi chính gây tai nạn giao thông
Cục CSGT cho biết, đơn vị vừa lập 6 nhóm chuyên đề về các hành vi gây tai nạn giao thông để CSGT toàn quốc tập trung xử lý trong năm 2025.
Ngày 4/2, đại diện Cục CSGT cho biết, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn; đơn vị ban hành Kế hoạch Tuần tra kiểm soát, xử lý các chuyên đề vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.
Kế hoạch được thực hiện xuyên suốt trong năm 2025 bắt đầu từ ngày 15/2 cho đến khi có kế hoạch khác thay thế.
Theo đó, 6 nhóm chuyên đề tập được CSGT toàn quốc tập trung xử lý gồm: Nhóm một là vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Nhóm hai, vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định.
Nhóm ba, vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ), đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi ngược chiều, tránh vượt, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau.
Nhóm bốn, điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, lạng lách, đánh võng… đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Nhóm năm, lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và việc lắp đặt, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe.
Nhóm 6 là lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Để thực hiện kế hoạch, Cục CSGT yêu cầu huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp với CSGT, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống giám sát giao thông để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo các chuyên đề.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.
"Nghiêm cấm can thiệp vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, chịu trách nhiệm nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp và xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn địa phương", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.