Năm Ất Tỵ 2025, tôi tiếp tục du hành trong đại dương thông tin và tri thức về xã hội học tập

Rất nhiều điều mới lạ và thú vị của xã hội học tập sẽ xuất hiện trong năm Ất Tỵ, khi mà thế giới đã bước sang một giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ và triệt để những công nghệ mới, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa trên nền tảng số hóa và sự kết nối toàn cầu.

Năm mới Ất Tỵ - sự kết nối toàn cầu

Năm Giáp Thìn (2024), tôi ngụp lặn trong biển cả thông tin để xây dựng cho mình vốn tri thức mới về xã hội học tập. Trước thềm năm mới Ất Tỵ (2025), tôi xin gửi tới Tổng biên tập Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học - Nhà báo Tô Phán - và các bạn phóng viên, biên tập viên, cùng những nhân viên Tòa soạn lời cảm ơn. Bởi những gì tôi khai thác được trong biển cả thông tin đó, Công dân và Khuyến học đã cho đăng tải hầu hết.

Cùng với lời cảm ơn này, tôi muốn nói rằng, chuyến du hành trong lòng đại dương thông tin và tri thức về xã hội học tập sẽ được tôi tiếp tục. Tôi cũng hy vọng rằng, Công dân và Khuyến học đồng hành với tôi trong từng đoạn đường của hành trình tri thức sắp tới.

Tôi nghĩ, có rất nhiều điều mới lạ và thú vị của xã hội học tập sẽ xuất hiện trong năm Ất Tỵ, khi mà thế giới đã bước sang một giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ và triệt để những công nghệ mới, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa trên nền tảng số hóa và sự kết nối toàn cầu.

Jules Verne - tác giả của Hai vạn dặm dưới biển và nhà khoa học Galileo Galilei.

Jules Verne - tác giả của Hai vạn dặm dưới biển và nhà khoa học Galileo Galilei.

Trong những chuyến du hành của mình, tôi thường liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết cổ điển về khoa học viễn tưởng của nhà văn Pháp, ông Jules Verne mang tên "Hai vạn dặm dưới biển - Du hành vào thế giới dưới nước" (Vingt mille lieues sous les mers - Tour du monde sous-marin).

Cuốn tiểu thuyết có cốt truyện vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn. Với trí tưởng tượng siêu phàm và ngòi bút tài hoa, Jules Verne đã đưa người đọc vào du hành dưới biển sâu với bao điều kỳ bí.

Ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này vào năm 1868 và in lần thứ nhất trong Tạp chí Giáo dục và giải trí (Magasin d'Éducation et de Recreátion) từ tháng 3/1869 đến tháng 6/1870.

Trong 156 năm qua, kể từ khi cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, khoa học về đại dương đã đem lại cho nhân loại biết bao nhiêu tri thức mới rất bổ ích. Song, những nhà khoa học nghiên cứu về biển cả vẫn vô cùng kính phục những hiểu biết phi thường của ông về những bí mật trong lòng đại dương.

Đọc "Hai vạn dặm dưới biển", chắc chắn đã có nhiều em bé trở thành các nhà khoa học nghiên cứu đại dương học, các nhà thám hiểm thế giới dưới các tầng sâu của biển, các chuyên gia về động vật, thực vật, địa chất đáy biển cũng như các nhà đang ngày đêm tìm những giải pháp để giữ gìn màu xanh bất tận của biển khơi, chống lại sự tàn phá của biến đổi khí hậu mà ngày nay chúng ta đang phải đối đầu.

Tôi tâm niệm câu nói của Rutherford D.Rogers: "Chúng ta đang chết đuối trong thông tin nhưng lại đói tri thức". Tôi ghi lại câu này vào sổ tay, và trong các chuyến du hành vào đại dương thông tin, tôi cố gắng tiêu hóa những kiến thức mới đối với tôi để cuối cùng có được cho mình một tri thức.

Nhưng điều ấy không hề đơn giản. Những kiến thức mới mà tôi phát hiện thì cũng là những kiến thức mới mà không ít người khác phát hiện. Vấn đề là ở chỗ, phải từ chứng cứ đã quan sát mà đưa ra được các kết nối mới - kết nối mới là cái tương lai ta cần, còn cái thống kê được có thể là ngoại suy, tức là chỉ ước tính được những giá trị của các dữ liệu đã thu thập nằm ngoài giá trị trong các dữ liệu. Salman Rushdie, nhà văn Ấn Độ, đã nói về điều này, mà tôi cho ý kiến của ông là một cảnh báo với tôi trước mỗi chuyến du hành tri thức.

Mặt trời mọc lên từ đằng Đông và lặn ở chân trời phía Tây. Ai ai cũng thấy hiện tượng này hàng ngày. Giáo hội Công giáo Roma theo cách giải thích trong kinh thánh đòi hỏi giáo dân phải tin rằng, hiện tượng trên thể hiện mặt trời xoay quanh trái đất.

Song Galileo Galilei lại tuyên bố ngược lại: Trái đất xoay xung quanh mặt trời. Ông đúng vì đã thu thập được nhiều chứng cứ, tuy nhiên ông chưa kết nối các chứng cứ để có được một ý niệm mới, một tri thức mới. Nhà thờ coi Galileo là kẻ dị giáo vì không đủ lý lẽ thuyết phục.

Ngày nay, nhân loại đều hiểu trái đất vẫn cần mẫn chuyển động theo quỹ đạo vòng quanh mặt trời, nhưng hiểu biết hiện đại là sự kết nối các chứng cứ với nhiều tri thức khác để khẳng định đây là chân lý.

Thế giới coi Galileo Galilei là "Cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại" và Stephen Hawking từng nhận xét rằng "Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại". Nhận xét này là rất xác thực.

Trẻ em Trung Hoa cổ đại đã biết lấy 2 cái lông gà, xếp thành hình chữ thập, đóng ghim lên một cái que tre vót tròn và nhẵn như chiếc đũa, thành hình dáng cái quạt máy ngày nay. Chúng miết cái que trong lòng 2 bàn tay và buông ra. Cái chong chóng ấy lượn trên không một đoạn mới rơi xuống đất. Người lớn ai chẳng biết cái trò chơi trẻ con ấy.

Cả nghìn năm sau, một kỹ sư người Mỹ gốc Nga - ông Igor Sikorsky - đã chế tạo ra chiếc trực thăng bay được vào năm 1938. Đó là chiếc máy bay trực thăng có động cơ mang số hiệu VS-300.

Ngày 14/9/1939, VS-300 bay thử, nhưng vẫn nối với dây cáp. Mãi đến ngày 13/5/1940, chiếc trực thăng VS-300 đã được bay tự do thành công.

Cái que lông gà được thể hiện trong những kết nối tri thức khoa học và kỹ thuật đã làm thành chiếc trực thăng. Đó là một đột phá, là tương lai sáng lạn được gợi ý từ chiếc que lông gà. Có cả triệu, chục triệu, thậm chí cả trăm triệu trẻ con chơi cái que lông gà, nhưng thống kê về cả chục triệu, trăm triệu lần chơi ấy cũng không mang lại những giá trị mới có tính đột phá. Chỉ có kết nối mang tính trực giác thì mới vượt qua giới hạn ngoại suy.

Còn đúng nửa tháng nữa chúng ta sẽ đón giao thừa, tiễn đưa năm Giáp Thìn (2024) đi vào quá khứ và nghênh tiếp năm mới Ất Tỵ (2025). Tôi đang chuẩn bị hành trang cho chuyến du hành vào đại dương thông tin, và sẽ khởi hành vào sáng sớm ngày mùng Một Tết Nguyên đán Ất Tỵ sau ly cà phê thơm ngạt ngào để tâm hồn luôn sảng khoái.

Tôi sẽ du hành trong biển cả thông tin về một hệ thống giáo dục thế giới được xanh hóa nhằm chuẩn bị tư liệu cho việc thiết kế một "Chương trình Khuyến học xanh".

Sau đó là hành trình tìm kiếm tri thức về ứng dụng AI vào việc tổ chức học tập cho người lớn như một đột phá trong việc chuyển đổi số toàn bộ hoạt động khuyến học theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW (22/12/2024) của Bộ Chính trị vừa mới ban hành.

Một câu hỏi nữa cho kẻ du hành tri thức là, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên vươn mình thì những hoạt động tinh thần và ý chí vươn mình là gì đây? Tôi muốn tìm được câu trả lời: Hội Khuyến học "vươn mình" như thế nào và Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, nơi tôi gửi những bài viết tâm huyết để chia sẻ tri thức một cách thường xuyên, sẽ vươn lên tầm cao báo chí ra sao?

Tôi yêu những trang tạp chí Công dân và Khuyến học, ngay từ ngày đầu nó ra đời, tôi đã đồng hành với nó. Cho nên, năm mới, tôi mong tờ tạp chí điện tử này vươn lên một tầm cao mới của tri thức và hành trình tri thức sẽ không bao giờ ngừng nghỉ hay gián đoạn.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nam-at-ty-2025-toi-tiep-tuc-du-hanh-trong-dai-duong-thong-tin-va-tri-thuc-ve-xa-hoi-hoc-tap-179250116142953003.htm