Năm bản lề của nền kinh tế số
Trong bối cảnh hàng loạt ngành nghề phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự… các doanh nghiệp đang bắt đầu thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số để có thể tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng khắc nghiệt.
Theo báo cáo thường niên về chuyển đổi số năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có khoảng gần 40% doanh nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp số, công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, tỷ lệ được cải thiện đáng kể, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Khảo sát của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam cho thấy, có nhiều doanh nghiệp đang dùng 2, 3 phần mềm thậm chí là nhiều hơn cho các hoạt động khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả, phải từ bỏ sau năm đầu tiên, rồi tiếp tục đi tìm hiểu mua thêm phần mềm khác...
Ông Nguyễn Kim Hùng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động, quan sát tìm hiểu và bắt đầu chuyển đổi số.
Số lượng doanh nghiệp thực sự hình thành và hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số là rất ít. Nếu tính riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ thì còn ít hơn nữa.
Theo ông Hùng, các SME phần lớn đi lên từ nghề, họ rất giỏi nghề và thường làm doanh nghiệp từ khát vọng, từ ước mơ, từ thực tiễn công việc kinh doanh của mình, dần dần xây dựng thành công ty và phát triển. Tất nhiên, để các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế số cần một quá trình dài hơi.
Ông Hùng kể lại, cách đây 1 - 2 năm, trong quá trình tiếp xúc, tư vấn cho các SME, không phải chỉ 70% mà có lẽ còn nhiều hơn thế chưa quan tâm đến chuyển đổi số, "chưa vội" chuyển đổi số. Ông Hùng cho rằng, điều này khá đáng buồn nhưng đó là thực tế.
Lý do là bởi các SME đã và đang hoạt động theo phương thức truyền thống hàng chục năm nay, họ vẫn đang kinh doanh ổn, vẫn có doanh thu lợi nhuận, nên không muốn phải thay đổi nếu chưa biết thành công hay thất bại.
Thế nhưng, câu chuyện nhận thức về chuyển đổi số đã có những cải thiện đáng kể trong năm 2022, khi các SME phải đối diện với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực hậu Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự… các SME bắt đầu thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số để có thể tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng khắc nghiệt.
"Tôi tin rằng năm 2023 sẽ là năm bản lề để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến vào nền kinh tế số, với tỷ trọng gia tăng đáng kể", đại diện Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh.
Thực tế, công nghệ không phải là bước đầu tiên và quan trọng nhất của chuyển đổi số. Nhưng nếu chỉ xét riêng về công nghệ, với đặc thù về quy mô và tính chất của các doanh nghiệp SME thì hiện tại có lẽ họ cần nhất là những giải pháp hỗ trợ việc bán hàng, từ thương mại điện tử đến chăm sóc khách hàng, marketing, thanh toán trực tuyến, logistics...
Những giải pháp này hỗ trợ gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhìn thấy kết quả một cách nhanh chóng. Từ đó, doanh nghiệp mới có niềm tin và có đòn bẩy tài chính để thực hiện các bước chuyển đổi số tiếp theo về quản trị, tài chính hay nhân sự…
Ông Nguyễn Kim Hùng đánh giá, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng không thể vội vàng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xem xét kỹ nguồn lực của mình, chiến lược phát triển của mình, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa. Nếu bản thân mô hình kinh doanh hiện tại mình còn chưa làm tốt, thì nên đặt câu hỏi làm sao để chuyển đổi số thành công?
Trước khi bắt tay vào chuyển đổi số, việc đầu tiên cần làm là rà soát lại toàn bộ hoạt động lõi của doanh nghiệp, chuẩn hóa mọi thứ và hoạch định một chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển, tạo nên một cái móng vững chắc và kiên định với nó thì hành trình xây dựng doanh nghiệp số dù có mất thời gian bao lâu cũng chắc chắn đi đến thành công.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nam-ban-le-cua-nen-kinh-te-so-1675010379155.htm