Nắm bắt cơ hội 'vàng' từ học nghề

Thực hiện Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm qua, tỉnh ta đã có gần 39.700 người được học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 79,8%.

Nâng chất các cơ sở đào tạo nghề

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 37%, rất thấp so với toàn quốc. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 cùng nhiều chương trình, dự án phát triển khu công nghiệp của tỉnh, do đó việc nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động là đòi hỏi cấp thiết. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu lao động cũng đặt ra yêu cầu mới cho công tác đào tạo nghề, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ yêu cầu đó, các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Từ năm 2011 đến năm 2013, có 4 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện được thành lập mới tại Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Từ đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 9 trung tâm và 1 phân hiệu trường trung cấp.

Lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Từ các nguồn vốn, tỉnh đã phân bổ trên 47 tỷ đồng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đã có gần 800 lượt giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trong đó có 351 người được Tổng cục Dạy nghề, Hiệp hội Dạy nghề đầu tư đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp các huyện cũng đã huy động nghệ nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, lao động có tay nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang được tập trung đầu tư xây dựng thành trường trọng điểm đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề có trình độ cao của tỉnh, mở ra cơ hội cho người lao động có tay nghề, tìm được việc làm phù hợp.

Đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ cho biết, thời gian qua, nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo hàng năm. Đến nay, nhà trường đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhà lớp học 4 tầng với 26 phòng học lý thuyết, 8 xưởng thực hành, 2 phòng thí nghiệm, 1 nhà thi đấu đa năng cùng 3 thư viện. Có 29 phòng ở ký túc xá đã được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học tập và sinh hoạt của học viên… Cùng với đó, các thiết bị dạy và học cũng không ngừng được cải tiến, đổi mới, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày một nâng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học viên ra trường có việc làm đạt trên 82%, với mức lương trung bình từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Những thành tựu đạt được

Trong 10 năm thực hiện đề án, đã có trên 39.600 người được hỗ trợ học nghề, trong đó có 31.900 người được làm việc đúng nghề sau đào tạo, đạt trên 79,8%. Đã có 1.366 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng, 756 lao động được doanh nghiệp, đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm, 29.498 người tự tạo việc làm và 296 người thành lập, tham gia các tổ hợp tác, tổ sản xuất, doanh nghiệp.

Công tác đào tạo nghề đã giúp người lao động xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả nhờ biết vận dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, đã có 25.555 lao động được tham gia các lớp dạy nghề nông, lâm, ngư nghiệp bao gồm: Trồng cây lương thực, thực phẩm; trồng cây công nghiệp; trồng cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản… Từ lớp học kỹ thuật trồng cam sành ban đầu tại xã Phù Lưu, bà con nông dân đã được chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhân giống cam, tạo hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn xã có 63% số hộ tham gia trồng cam với tổng diện tích trên 2.500 ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 40 - 50 nghìn tấn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Vui, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) tâm sự, trước đây gia đình bà là hộ nghèo của xã. Năm 2013, bà được tham gia lớp dạy nghề trồng và chăm sóc rừng tại xã, từ đó bà đã biết cách trồng, chăm sóc và khai thác rừng để đạt hiệu quả kinh tế. Năm 2017, từ số tiền 700 triệu đồng từ khai thác gỗ trồng rừng, gia đình bà đã làm được nhà mới, vươn lên thoát nghèo.

Các cơ sở đào tạo nghề chú trọng dạy nghề mới cho học viên đáp ứng nhu cầu thị trường như chế biến món ăn và pha chế đồ uống, nghiệp vụ nhà hàng, làm sản phẩm lưu niệm; khôi phục lại các nghề truyền thống như mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... Chị Đặng Thị Dương, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) tâm sự, sau khi học xong đại học đã trở về quê hương cùng với bà con thôn bản làm du lịch cộng đồng. Từ những lớp tập huấn nghiệp vụ trồng và chăm sóc cây lê được mở, chị đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lê đặc sản lên 200 gốc. Cùng với đó, chị tích cực tham gia các lớp dạy nghề du lịch, nghiệp vụ nhà hàng, các lớp học mây tre đan truyền thống phục vụ tốt nhất cho việc làm du lịch của mình. Từ năm 2018 đến nay, cơ sở homestay của gia đình chị đã đón hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp như dự báo nhu cầu thị trường, bổ sung kịp thời ngành nghề mới, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng cơ chế đào tạo nghề theo hợp đồng… bảo đảm hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 đào tạo nghề cho trên 45.000 lao động.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nam-bat-co-hoi-vang-tu-hoc-nghe-139222.html