Nắm bắt công nghệ 4.0
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh...
Tháng 10/2019, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu thực hiện thử nghiệm phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái trên 10.000 ha lúa tại các tỉnh miền Tây, như Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang… Việc thử nghiệm cho kết quả khả quan: Năng suất lao động tăng từ 15 - 30 lần, giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật, giảm 150 - 200 kg lúa thiệt hại mỗi ha do lúa không bị giẫm đạp.
Hay, Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam đã có sự đầu tư mạnh vào nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) kết hợp với đổi mới, triển khai hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, chuồng trại và con giống, với chất lượng cũng như năng suất tương đương với nước ngoài. Cụ thể, công ty đã áp dụng các hệ thống chuồng kín với thiết bị và công nghệ nhập khẩu; hệ thống cho ăn, uống trong chuồng trại, điều chỉnh nhiệt độ hoàn toàn tự động; hệ thống thu trứng gà, ấp nở tự động kèm theo dây chuyền khử trùng bằng tia cực tím để xử lý trứng; hệ thống đánh giá năng suất cá thể hoàn toàn tự động… nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP về an toàn thực phẩm…
Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ cũng là mô hình DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tiếp nhận, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Israel, để cho ra sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam. Với kinh phí đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, công suất dự kiến đạt 175 triệu quả/năm, nhà máy vận hành theo quy trình hoàn toàn khép kín, kiểm soát chặt chẽ, tự động hóa từ khâu thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng, phân loại đóng gói sản phẩm…
Trước đó, Tập đoàn TH Truemilk đã áp dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa tập trung, với quy trình khép kín "Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch". Tại trang trại bò sữa TH, hầu hết các hoạt động quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò, khai thác, chế biến sữa… được tự động hóa hoàn toàn.
Những ví dụ nêu trên cho thấy, ngày càng có nhiều DN trong nước mạnh dạn ứng dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, đặc biệt là xu hướng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại diện Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ vì tốn kém nhiều kinh phí. Theo đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ cho DN. Để giảm bớt gánh nặng ngân sách, Chính phủ cần có chiến lược thu hút các nguồn vốn ODA, FDI và hình thành trục liên kết với các DN trong nước… nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Nhằm phát huy vai trò của KH&CN, những năm gần đây, đã có sự dịch chuyển về chính sách, để đưa DN thực sự trở thành trung tâm của đổi mới KH&CN, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh các chương trình KH&CN được thiết lập, còn có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) - nơi thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Từ góc độ của Bộ Công Thương, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống, các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ; khuyến khích thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với DN; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-bat-cong-nghe-40-138244.html