Nắm bắt nguồn năng lượng lớn nhất

Ai trong chúng ta cũng mong muốn có nguồn năng lượng dồi dào mỗi ngày để sống và làm việc một cách hưng phấn và hiệu quả. Trong thực tế đời sống đầy âu lo và căng thẳng hiện nay, dễ hiểu vì sao trong xã hội, nhất là ở các đô thị, nổi lên trào lưu học hiểu về mối liên hệ phức tạp giữa tâm - thân - trí.

Hầu hết mục đích của những người theo đuổi các khóa học này là muốn nắm bắt nguyên lý khai quật những nguồn năng lượng tiềm tàng chưa được đánh thức.

 Bốn nguồn năng lượng và những thành tố tạo năng lượng.

Bốn nguồn năng lượng và những thành tố tạo năng lượng.

Dù vậy, tại một buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nhân trẻ mới đây về chăm sóc sức khỏe, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Kiên(*), người có nhiều năm nghiên cứu, thực hành và chia sẻ về quản trị năng lượng, đã đưa ra nhận xét dưới góc nhìn y khoa: không phải ai đi học cũng có thể hiểu một cách rõ ràng về sự hợp thành các nguồn năng lượng, về mối quan hệ tương hỗ toàn diện giữa mọi thành tố trong đó, để từ đó có thể thực hành và tối ưu hóa nguồn năng lượng tổng hợp trong bản thân họ.

Bốn nguồn năng lượng chính

Nhiều tài liệu, nhiều diễn giả đã nói về bốn nguồn năng lượng chính trong mỗi con người, nhưng ông Kiên đã “gọi tên” các thành tố tạo ra năng lượng một cách cụ thể, rõ ràng (xem hình).

Theo ông Kiên, việc biết chính xác để chăm sóc và khơi dậy sức mạnh của mỗi thành tố trong sự liên kết bốn nguồn năng lượng giữ vai trò quan trọng trong việc quản trị toàn diện nguồn năng lượng nơi mỗi người. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin ghi lại điều được ông Kiên nhấn mạnh nhất: “Năng lượng tinh thần là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất, là dạng thức năng lượng bao trùm”.

Nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất

Theo ông Kiên, có 5 sức mạnh chính tạo nguồn năng lượng tinh thần:

(i) Sức mạnh của mục đích sống: Là thứ mà cả đời con người đi tìm kiếm, sống vì nó, dồn tất cả cho nó. Chính vì vậy, nó sản sinh nguồn năng lượng cực lớn một khi sứ mệnh (hoặc lý tưởng) cuộc đời đã được xác định và được nuôi khát vọng thực hiện. Nó khích lệ ngược trở lại các nguồn, các cấu phần năng lượng khác.

(ii) Sức mạnh của động lực sống: Nếu mục đích sống là tìm ra đích đến thì động lực sống là thứ làm cho con người không ngừng phát sinh năng lượng giúp họ thực hiện mục đích. Có động lực sống, con người có lý do đủ mạnh để kháng cự mọi chướng ngại trên con đường đi đến mục đích.

(iii) Sức mạnh của niềm đam mê: Đam mê tạo ra năng lượng giúp đi đến mục tiêu nhanh hơn. Nhưng tất nhiên đó không phải là những đam mê kiểu mê game hay mê cờ bạc. Cần phân biệt “đam mê” với “mê muội”.

(iv) Sức mạnh của niềm tin: Sự tự tin, kể cả niềm tin vào người khác, đều phát sinh năng lượng. Bên cạnh đó, cần phải thấy sức mạnh của niềm tin tâm linh (hoặc đức tin) đem lại một nguồn năng lượng rất lớn - thứ mà có người gọi là nguồn năng lượng vũ trụ hay nguồn năng lượng siêu thức.

(v) Sức mạnh “4 kiên”: Kiên định, kiên trì, kiên nhẫn và kiên quyết sẽ tạo nên sức mạnh của một “chiến binh”, là yếu tố căn bản để đạt những mục tiêu ngắn hạn và mục đích sống.

Với 5 thành tố tạo năng lượng vừa nêu, năng lượng tinh thần được ông Kiên cho là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất. “Nó có thể bù đắp cho cả những hạn chế về năng lượng thể chất. Đã có không ít câu chuyện về những người bị khiếm khuyết thể chất nhưng giàu có về năng lượng tinh thần, đến mức họ đủ sức truyền lửa, làm lan tỏa mạnh mẽ nguồn năng lượng ấy đến với nhiều người khác”, ông nói.

Dạng thức năng lượng bao trùm

Nhưng chính sức mạnh của mục đích sống mới đem lại nguồn năng lượng dồi dào nhất, như đã đề cập ở trên.

Thử hình dung một khi bạn đã xác quyết một đích đến, để thực hiện cho được, bạn sẽ tự động lo ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục thể thao (tất nhiên là phải đúng cách) để có một sức khỏe tốt, một nguồn năng lượng thể chất dồi dào giúp bạn hiện thực hóa sứ mệnh. Tương tự, sức mạnh của năng lượng tình cảm và năng lượng trí tuệ cũng được đánh thức, được bồi dưỡng.

Và theo cách đó, cả bốn nguồn năng lượng có thể trở nên giàu có và càng giàu có hơn trong mối liên hệ tương hỗ giữa chúng. “Khi bạn có khả năng quản trị toàn diện nguồn năng lượng, tôi tin bạn có thể cảm nhận một đời sống hạnh phúc và gặt hái thành công”, ông Kiên nói.

“Công thức” in-out

Có một điều thú vị trong góc nhìn của ông Kiên khi ông nói về sự hình thành năng lượng từ liên kết mục đích bên trong của cá nhân với cuộc sống bên ngoài. Hiện có không ít người đã lựa chọn và tự đặt ra cho mình những sứ mệnh cao cả, tốt đẹp (như cống hiến, yêu thương, chia sẻ với cộng đồng; giúp đỡ người khác phát triển...) và nghĩ rằng điều đó đem đến cho họ nguồn năng lượng và niềm hạnh phúc to lớn.

Cách nghĩ đó không sai, nhưng theo ông Kiên, còn một khía cạnh có thể chưa được nhận ra. Đó là năng lượng được sản sinh dồi dào nhất khi người ta làm điều gì đó cho bản thân mình trước hết. “Điều gì đó” có thể là những nhu cầu rất sâu thẳm ở bên trong.

“Tỷ như khi bạn vui chơi cùng con cái, có thể bạn cho là mình đang dành thời gian cho chúng, vì chúng, nhưng thật ra, nguồn năng lượng bạn có được cho việc vui chơi ấy là để thỏa mãn bạn trước hết. Hay khi bạn bền lòng nuôi dưỡng một tình bạn, phải chăng bạn vẫn nghĩ việc đó là cho người bạn, vì người bạn của mình? Có khi nào bạn thử đặt câu hỏi việc đó là vì bạn, cho chính bạn hay không? Câu trả lời rất có thể sẽ giúp bạn phát hiện ra tình bạn ấy có ý nghĩa lớn như thế nào đối với bạn”.

Do vậy, theo bác sĩ Kiên, cách khơi nguồn năng lượng khôn ngoan nhất là “quay về mời gọi chính bản thân ta”. Ông khuyên: “Điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi đặt ra sứ mệnh cho mình là khám phá bản thân mình cần gì; nghĩ ra những việc gì mà khi làm, chính bạn được đáp ứng. Tất nhiên, sứ mệnh của bạn cần phải được “soi sáng” bằng tầm nhìn thực tế (mới khả thi) và những chuẩn mực giá trị được xã hội chấp nhận”.

(*) Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Kiên cũng là một doanh nhân. Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Miti Group với hơn 25 năm kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và kinh doanh trên thương trường.

Thanh Phương

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292771/nam-bat-nguon-nang-luong-lon-nhat-.html