Nam bệnh nhân tại TP.HCM hồi phục sau cơn bão Cytokine

Chỉ sau 3 ngày nhập viện, bệnh nhân xuất hiện diễn biến nặng, viêm phổi phát triển, cơn bão Cytokine tăng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân là N.H.M., nam, 54 tuổi, trú tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Trước đó, ông M. có sức khỏe tốt, làm thủy thủ trên tàu đánh cá trở về từ Ấn Độ.

Sau khi cập cảng, bệnh nhân này cùng 2 người khác trong đoàn thủy thủ có biểu hiện ho, sốt, tức ngực, kết quả xét nghiệm rRT-PCR cho thấy ông dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 27/5, ông M. được chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Tại khoa Nhiễm D, bệnh nhân được điều trị kháng sinh truyền tĩnh mạch, thở oxy qua gọng mũi.

Hai ngày sau, triệu chứng khó thở của bệnh nhân tăng dần. Ông M. được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực người lớn để can thiệp thở oxy lưu lượng cao. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp của bệnh nhân vẫn xấu đi. Sau một ngày, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân, thở máy chế độ bảo vệ phổi kết hợp an thần sâu, giãn cơ và kháng sinh tích cực.

 Phun khử khuẩn tại một khoa thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Phun khử khuẩn tại một khoa thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Sau thời gian theo dõi sát, cùng ngày, các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu nhanh, phổi 2 bên đông đặc hơn 50%, đông máu rối loạn nặng, tiên lượng rất xấu. Đây cũng là biểu hiện của cơn bão Cytokine do Covid-19. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn với Tiểu ban Điều trị Covid-19 của bệnh viện. Qua đó, bệnh nhân được đặt catheter tĩnh mạch đùi, đồng thời lọc máu liên tục.

Ngày 2/6, sau 2 lần lọc máu, 5 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, bệnh nhân may mắn có tiến triển tốt, chức năng phổi cải thiện, chỉ số oxy phục hồi, chỉ số rối loạn đông máu giảm.

Theo các bác sĩ, đây là những tín hiệu khả quan cho thấy bệnh nhân đã qua thời điểm nguy kịch dù quãng đường hồi phục còn dài.

Ngày 14/6, bệnh nhân tỉnh lại. Sáng 16/6, sau 19 ngày thở máy, 2 lần lọc máu và gần 1 tháng chăm sóc tích cực, bệnh nhân chính thức được ngưng máy thở, có thể tập vận động phục hồi chức năng.

Nhờ quá trình này, 4 ngày sau, bệnh nhân có thể tự thở khí trời, ho khạc tốt, thậm chí tự đứng lên tại giường và bắt đầu bước đi, kết thúc chuỗi 21 ngày nguy kịch.

Đến hôm nay (21/6), bệnh nhân ổn định về sức khỏe, thể trạng và tinh thần đều tốt.

 Bệnh nhân hồi phục sau thời gian diễn biến nguy kịch do Covid-19. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân hồi phục sau thời gian diễn biến nguy kịch do Covid-19. Ảnh: BVCC.

TS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực người lớn, chia sẻ: “Đây là trường hợp còn tương đối trẻ, không có bệnh nền và nền tảng sức khỏe khá tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn nhập viện trong bệnh cảnh rất cấp tính, nặng và điển hình cho tình trạng viêm phổi SARS-CoV-2".

Theo bác sĩ Hảo, bệnh Covid-19 nguy hiểm ở việc bên cạnh gây diễn biến nặng ở người già, yếu, nó có thể dẫn đến tử vong nhanh ở cả những bệnh nhân trẻ, khỏe.

"Do đó, việc điều trị những bệnh nhân này giống như chạy đua với thần chết. Để cứu sống bệnh nhân, đội ngũ y tế đã phải theo dõi diễn biến bệnh rất sát, từ đó can thiệp kịp thời, chăm sóc tích cực", bác sĩ này cho hay.

Bích Huệ - Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-benh-nhan-tai-tphcm-hoi-phuc-sau-con-bao-cytokine-post1229609.html