Nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó mọi tình huống thiên tai

Ngày 10/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến hai cấp (tỉnh, huyện) tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì.

Tham dự có thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Đại tá Đàm Minh Diện, Phó Tham mưu trưởng Quân Khu I và đại diện các đơn vị quân đội hiệp đồng PCTT&TKCN. Tại điểm cầu các huyện, thị xã, TP có đại diện lãnh đạo UBND; các cơ quan, đơn vị phối hợp PCTT&TKCN.

 Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu.

Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu.

Hơn 27 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai

Năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành PCTT&TKCN.

Các địa phương thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, gắn thực hiện mô hình “cộng đồng an toàn” với thực hiện các tiêu chí an toàn PCTT trong xây dựng nông thôn mới.

Từ các nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh và địa phương, doanh nghiệp, nhiều công trình đê điều, PCTT được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, PCTT được chỉ đạo triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Trong năm có 932 vi phạm được xử lý, gồm 446 vi phạm đê điều, 186 vi phạm công trình thủy lợi.

Năm 2023, toàn tỉnh có 2 người chết, 1 người bị thương; 18 hộ thiệt hại về nhà ở, bị ảnh hưởng do sạt lở đất; xảy ra 8 sự cố trên các tuyến đê cấp III và dưới cấp III… Tổng thiệt hại khoảng 27 tỷ đồng. So với năm 2022, giá trị thiệt hại, sự cố công trình do thiên tai giảm 36 tỷ đồng nhưng tăng 1 người chết và 1 người bị thương.

Trước các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kịp thời ban hành các kế hoạch, công điện, báo cáo, văn bản chỉ đạo các địa phương, công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi chủ động phương án huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó. Qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn do thiên tai; tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp; khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, sạt lở, ổn định đời sống người dân.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tập trung tham mưu UBND tỉnh triển khai tốt việc diễn tập PCTT&TKCN. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung những công trình, khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai vào các kế hoạch PCTT&TKCN. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an huy động nhân lực, phương tiện, chủ động mọi phương án sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống thiên tai.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong công tác PCTT&TKCN như quan tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng thường trực, nắm bắt diễn biến thời tiết, kịp thời tham mưu với ban chỉ huy các cấp biện pháp ứng phó. Chủ động xây dựng kịch bản, phương án; tổ chức tập huấn, diễn tập, hoàn thiện các kịch bản để khi xảy ra tình huống thiên tai không bị động, bất ngờ.

Tổ chức thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng chuẩn bị vật tư dự trữ trong dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ. Trong chỉ huy, điều hành xử lý các tình huống phải quyết liệt, khẩn trương; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến cơ sở.

Tại điểm cầu thị xã Việt Yên, đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, địa phương có hệ thống kênh, cống tiêu thoát nước đa dạng song chưa được cứng hóa, thường xuyên bị bồi lắng, bèo rác xâm chiếm gây ách tắc dòng chảy. Năm nay, huyện chỉ đạo các địa phương khơi thông dòng chảy; tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, PCTT, công trình thủy lợi xong trước 30/6, kiên quyết không để vi phạm mới phát sinh. Huyện kiến nghị với tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh mương, cống dưới đê, trạm bơm xung quanh khu công nghiệp, bảo đảm an toàn chống lũ, thông thoáng dòng chảy, giúp tiêu thoát nước kịp thời.

Đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh báo cáo kế hoạch hiệp đồng tham gia PCTT&TKCN năm 2024 của các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, lực lượng chức năng xác định toàn tỉnh có 7 điểm xung yếu/8 tuyến đê, 4 kè, 3 cống, 4 hồ và 1 đập trọng điểm; 16 địa bàn nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và 24 địa bàn nguy cơ ngập lụt.

Đặc biệt, có một số điểm nguy cơ sạt lở cao như: Núi Y Sơn, xã Hòa Sơn; thôn Hữu Định, xã Quang Minh (Hiệp Hòa); mỏ than Đồng Hưu, mỏ quặng sắt xã Xuân Lương (Yên Thế); núi đá Chồng, xã Dương Hưu và Đèo Cạp Trạng, xã Tuấn Đạo (Sơn Động); núi Con Voi, xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên)... Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết tâm giữ vững, bảo toàn các tuyến đê chính với mức lũ thiết kế; duy trì lực lượng, phương tiện thường trực, thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo, thông báo với các đơn vị hiệp đồng sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ lụt gây ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan. Nền nhiệt độ trung bình tại Bắc Giang mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện 11 - 12 đợt nắng nóng diện rộng. Có từ 8 - 10 đợt mưa vừa, mưa to. Lũ tiểu mãn trên các sông khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5, đỉnh lũ có thể xảy ra trong tháng 8.

Nhiệm vụ không được chủ quan, lơ là, "phòng hơn chống"

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai đồng bộ giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời trước diễn biến thời tiết. Đồng chí biểu dương các huyện, thị xã: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng đã tích cực tham gia xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang đê điều. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo, chưa dành nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng này. Một bộ phận người dân còn chủ quan, xem nhẹ công tác PCTT, tự ý xây dựng công trình lấn chiếm đê điều, công trình thủy lợi, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

Đồng chí nhấn mạnh, những năm gần đây, Bắc Giang đang tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng KT - XH, đến năm 2030 có 29 khu công nghiệp với diện tích lên đến 10 nghìn ha. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao đã làm thay đổi diện mạo địa hình và hệ thống chứa nước. Vì vậy, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nâng cao công tác phòng ngừa, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch PCTT. Từ cấp tỉnh đến cơ sở tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung cao vào cuộc.

 Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh.

Đồng chí đề nghị các huyện miền núi như Lục Ngạn, Yên Thế, Sơn Động khi xây dựng cầu, cống, kênh mương, đường giao thông cần chủ động dự báo tình hình mưa lũ có thể xảy ra, xây dựng phương án PCTT phù hợp đặc điểm địa bàn.

Thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa bàn. Do đó, nếu để xảy ra úng ngập không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, nguy cơ cao mất an toàn cho người dân, công nhân lao động mà còn ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy khi triển khai xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cần đặc biệt quan tâm thiết kế, thi công hệ thống tiêu thoát nước phù hợp quy hoạch. Tiếp tục rà soát, cải tạo, xây dựng các kênh, nhánh tiêu thoát nước trong khu vực.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, đồng chí đề nghị các địa phương quan tâm dành nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi. Nâng cao nhận thức cả hệ thống chính trị về công tác PCTT với tinh thần phòng hơn chống; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, cảnh báo và những giải pháp PCTT trên các bản tin dự báo thời tiết.

Trung tâm Khí tượng thủy văn sớm kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình hồ đập, đê điều, cầu cống, qua đó kịp thời phát hiện sớm sự cố để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tập trung nguồn lực duy tu, sửa chữa trước mùa mưa bão.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm; gắn trách nhiệm đối với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn để xảy ra vi phạm.

Tin, ảnh: Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khong-chu-quan-lo-la-trong-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-134001.bbg