Nam chính 'Cô nàng ngổ ngáo' mắc chứng rối loạn hoảng sợ
Mới đây, nam diễn viên Cha Tae Hyun đã góp mặt trong chương trình truyền hình thực tế National Bang Bang Cook Cook của đài MBN. Anh có những chia sẻ về trải nghiệm khi mắc chứng rối loạn hoảng sợ.
Đến nay, chứng bệnh vẫn khiến anh gặp khó khăn khi di chuyển bằng máy bay. Cụ thể, khi dàn diễn viên khách mời trong chương trình National Bang Bang Cook Cook từ cửa hàng tạp hóa trở về điểm ghi hình, Lee Sang Yeob đã lái xe nhầm đường, khiến họ mất nhiều thời gian hơn dự tính. Để giết thời gian, Jang Hyuk bắt đầu cuộc trò chuyện ngắn. Anh hỏi Cha Tae Hyun về quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tài tử.
Cha Tae Hyun trả lời: ‘Đó là quãng thời gian khi sức khỏe tâm thần của tôi gặp vấn đề. Nó khiến việc diễn xuất lẫn công việc đều bị ảnh hưởng. Vì chứng rối loạn hoảng sợ, tôi thường xuyên ngất xỉu và phải nhập viện thường xuyên. Lần đầu tiên tôi ngất xỉu là khi tới Mỹ làm MC. Vì mê man suốt 30 phút trước khi lên hình, tôi đã không thể xuất hiện trong phần khai mạc sự kiện. Nhưng tôi có cách chung sống lâu dài với chứng bệnh này. Khi gặp quá nhiều rắc rối vì nó, người ta sẽ bắt đầu uống thuốc hoặc thực hiện các phác đồ điều trị. Tất nhiên điều này là tốt. Nhưng cuối cùng, vượt qua được hay không vẫn cứ là vấn đề của chính mình’.
Trước đó, năm 2017, nam diễn viên đã từng chia sẻ về chứng bệnh rối loạn hoảng sợ. ‘Đó là điều mà rất nhiều người nổi tiếng phải trải qua, bạn phải có khả năng vượt qua nó. Tôi biết cảm giác đó rất rõ. Tôi đã từng như vậy và phải uống thuốc trong vài năm. Trước khi cưới, tình trạng của tôi rất tệ, sau khi kết hôn thì bệnh khá hơn. Không có cách nào chữa khỏi, tôi chỉ chịu đựng thôi’, anh nói.
Cha Tae Hyun sánh vai cùng Jeon Ji Hyun trong phim Cô nàng ngổ ngáo
Bộ phim Cô nàng ngổ ngáo (2001) đã đưa Cha Tae Huyn lên tầm sao hạng A. Anh đoạt giải Diễn viên mới xuất sắc tại Blue Dragon Film Awards lần thứ 22 và Diễn viên được yêu thích tại Chuông vàng lần 39 nhờ diễn xuất chân thật, hài hước.
Rối loạn hoảng sợ: nguyên nhân và hướng điều trị
Chứng bệnh này thường xảy ra với những người phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống. Nhóm người có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hoảng sợ như: Trải qua những đau buồn trong cuộc sống (mất người thân, người yêu,…); Bị tổn thương tâm lý trầm trọng trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục hoặc bị tai nạn nghiêm trọng; Có những biến cố lớn trong đời như ly hôn hoặc trầm cảm sau sinh; Nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng caffeine; Tiền sử gia đình có người bị cơn hoảng loạn hoặc mắc chứng rối loạn hoảng sợ,…
Tất cả bệnh nhân mắc rối loạn hoảng sợ đều nên giảm stress bằng cách theo đổi các sở thích cá nhân hoặc tham gia các hoạt động thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh. Có nhiều phương pháp điều trị kết hợp có thể làm giảm hoặc mất chứng rối loạn hoảng sợ như: Liệu pháp hành vi như phương pháp phản hồi sinh học; Bệnh nhân học cách thay đổi sức cơ hoặc sóng não bằng cách kiểm soát hơi thở; Phương pháp khác như thư giãn cơ tăng dần, tưởng tượng, thiền hoặc thôi miên. Các thuốc an thần cũng được cân nhắc chỉ định nhưng có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc nghiện thuốc. Người có tiền sử sử dụng các chất kích thích không nên cho dùng các thuốc này.
Thủy Kiều
(Theo Inkigeul)