Nậm Có mất mùa sơn tra
Năm 2023, do ảnh hưởng thời tiết nên phần lớn diện tích cây táo mèo (sơn tra) tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải không đậu quả, sản lượng giảm nhiều so với vụ trước. Cùng đó, giá cả thị trường không có chuyển biến nhiều so với niên vụ trước nên người dân năm nay có một vụ sơn tra buồn.
Hộ ông Thào Sú Rùa, bản Lùng Cúng, xã Nậm Có từng là một trong những hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm từ sơn tra, nhưng vụ năm nay, cả vườn sơn tra nhà ông, cây nào cũng chỉ lác đác vài quả nhỏ.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lù A Sinh, vụ trước thu hơn 3 tấn quả, tuy giá bán chỉ 4.000 đồng - 6.000 đồng/kg nhưng cũng có thu nhập hơn chục triệu đồng. Vụ này, chắc gia đình ông Sinh chỉ thu được khoảng 1 tấn quả. Ông Sinh chia sẻ: "Ở bản Lùng Cúng năm nay phần lớn diện tích sơn tra đều ít quả và chỉ một số chòm có quả nhiều hơn nhưng tỷ lệ bị sâu khá cao”.
Là địa phương vùng cao, ngoài cây lúa, ngô thì chỉ có cây sơn tra, nên dù giá cả mấy năm nay không được cao như vài năm trước, nhưng nếu không mất mùa thì nhiều hộ cũng có thu từ 3 đến 4 tấn quả. Giá trị thu nhập cao hơn lúa, ngô vì cây sơn tra khi đã ra quả thì không mất công chăm sóc cũng như chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ.
Là bản chiếm phần lớn diện tích sơn tra ở xã Nậm Có, với trên 300 ha đã cho thu hoạch thì trên 210 hộ ở bản Lùng Cúng hàng năm đều có thu nhập từ sơn tra.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, nhân dân bản Lùng Cúng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là bà con đã tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế.
Trong đó, người dân Lùng Cúng đã làm tốt việc chăm sóc các diện tích sơn tra, đào rừng, đào nhà cùng trên 730 ha rừng trồng, gần 1.800 ha rừng tự nhiên phòng hộ, góp phần quan trọng giúp mỗi hộ tăng thêm thu nhập từ sơn tra và tiền chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.
Ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã Nậm Có hiện có diện tích sơn tra trên 1.400 ha, trong đó có hơn 300 ha đã cho thu hoạch. Vụ quả năm 2023, sơn tra mất mùa, ước tính sản lượng chỉ đạt khoảng 25% so với năm trước. Giá cả thu mua sơn tra không được cải thiện nhiều trong mấy năm gần đây, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con. Tuy nhiên, ngoài lợi ích kinh tế, cây sơn tra còn là cây trồng đa tác dụng như: phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn... nên địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, động viên bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ, nhất là phòng cháy, chữa cháy rừng để bảo vệ sơn tra nói riêng và bảo vệ rừng nói chung”.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301533/nam-co-mat-mua-son-tra.aspx