Nậm Củng - bản giữa rừng không hộ nghèo
ĐBP - Bản Nậm Củng cách trung tâm xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ khoảng 15km, là bản xa xôi, cách biệt nhất của xã với nhiều khó khăn về giao thông. Từ lâu, Nậm Củng được biết đến là bản thuần nông, đời sống bà con dân tộc Thái trong bản hoàn toàn tự cung tự cấp; thế nhưng bằng nghị lực cố gắng vươn lên của người dân trong bản, nhiều năm nay bản Nậm Củng đã không còn hộ nghèo, đời sống của bà con đầy đủ, vui vầy bên những mái nhà sàn truyền thống.
Người dân bản Nậm Củng tăng cường chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Chúng tôi vào bản Nậm Củng trên con đường bê tông mới hoàn thành, xung quanh bản được bao bọc bởi những cánh rừng già, rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Từ đầu bản, chúng tôi đã thấy những vườn rau, ao cá, chuồng vật nuôi của bà con dọc hai bên bờ suối Nậm Củng. Tiếp chúng tôi, anh Lò Văn Tình, Trưởng bản Nậm Củng chia sẻ: “Bản có 253 khẩu của 44 hộ dân. Bà con đều là người dân tộc Thái di cư từ địa phương khác về sinh sống đã 40 năm. Ngày ấy, cha mẹ tôi và những người thân trong gia đình di cư về đây, thấy con suối Nậm Củng (theo tiếng địa phương có nghĩa là suối con tôm) dồi dào thủy sản nên đã cắm dùi, làm lán tạm sinh sống, sau đó bà con họ hàng kéo đến ngày một đông và thành lập nên bản Nậm Củng. Ðến nay, đa phần bà con trong bản đều là anh em họ hàng với nhau, mọi người đoàn kết một lòng, cùng nhau làm ăn, sinh sống để thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đời sống kinh tế gia đình. Do thuận lợi về nguồn nước, bà con dễ dàng canh tác lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm ven rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng để sinh sống”.
Theo lời kể của trưởng bản, những năm trước đây, đa phần đời sống của bà con rất khó khăn, có thời điểm 100% hộ dân trong bản là hộ nghèo, hộ đói. Nhưng do bà con có tinh thần đoàn kết, quyết tâm vươn lên, cùng chia ngọt sẻ bùi, hỗ trợ nhau lúc khó khăn và chung tay với nhau trong từng việc, như: Dựng nhà, đào ao, dẫn nước làm ruộng... Chính vì thế, chỉ sau vài năm, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, kinh tế trở nên ổn định. Những hộ đó lại hỗ trợ các hộ khác làm ăn, xóa đói, giảm nghèo. Dần dần cả bản bắt đầu khấm khá hơn và thoát nghèo.
Trưởng bản Lò Văn Tình dẫn chúng tôi vào thăm gia đình bà Khoàng Thị Dong, là hộ đã thoát nghèo được 2 năm. Tuy là hộ thoát nghèo cuối cùng trong bản, nhưng cơ ngơi của bà Dong cũng không thua gì các hộ khác với mô hình VAC rộng rãi, đầy đủ các loại vật nuôi, gia súc, gia cầm, cây ăn quả và rau xanh. Bà Khoàng Thị Dong tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi nghèo nhất bản. Cả bản đã họp nhau lại tìm cách tháo gỡ khó khăn cho gia đình tôi. Ngoài vốn vay các hội, đoàn thể, tôi còn được bà con giúp đỡ xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng để đảm bảo đời sống. Vài năm nay, thực phẩm chăn nuôi được từ mô hình VAC của gia đình không chỉ đủ ăn quanh năm, mà còn bán ra thị trường. Tôi đã có tiền trang trải đời sống, xây nhà mới và dành dụm cho con cháu ăn học”.
Từ sự giới thiệu của trưởng bản, chúng tôi đến thăm một số mô hình, như: Mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn lấy thịt của gia đình ông Lành Văn Vân, Lò Văn Chớn; mô hình trồng sắn, rau sạch, cây ăn quả của gia đình ông Lò Văn Chanh, Lành Văn Viên... Các mô hình này đa phần đều cho thu lãi từ 40 - 60 triệu đồng/vụ.
Nhờ đời sống khấm khá, nhiều hộ trong bản Nậm Củng đã xây nhà kiên cố, mua được những thiết bị hiện đại sử dụng, hộ nào cũng có xe máy; nhiều hộ có con học lên cao đẳng, đại học.
Chủ tịch UBND xã Chà Tở, Tao Văn Vinh là người sinh sống tại bản Nậm Củng, phấn khởi cho biết: “Chà Tở có 10 bản, thì Nậm Củng là 1 trong 5 bản có người dân tộc Thái sinh sống và là bản đầu tiên không còn hộ nghèo. Mặc dù xuất phát điểm thấp, lại xa xôi, cách biệt vì nằm giữa rừng, nhưng ý thức của bà con rất tốt, họ đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính vì thế, các bản dân tộc Thái khác trong xã đã noi gương người dân Nậm Củng trong việc đoàn kết để phát triển kinh tế, phấn đấu đạt gia đình văn hóa. Tính đến nay, toàn xã có khoảng 200 hộ là người dân tộc Thái sinh sống ở các bản: Nà Én, Nà Mười, Nà Pẩu, Nậm Chua và Nậm Củng, thì chỉ có 8 - 10 hộ nghèo. Dự kiến hết năm 2019, số hộ này cũng nỗ lực và cam kết thoát nghèo như bà con khác trong bản”.
Ý thức thoát nghèo, chịu khó phát triển kinh tế đã ăn sâu vào tâm thức của bà con trong bản Nậm Củng. Ðến đây, chúng tôi nhận thấy bà con trong bản từ trẻ đến người trung tuổi đều chăm chỉ lao động, canh tác trên đồng ruộng, tăng gia bên vườn cây, ao cá... Tuy sinh sống nhiều năm giữa những tán rừng già dưới chân núi Pụ An Mạ (tiếng địa phương là núi yên ngựa) nổi tiếng có nhiều động vật hoang dã, cây thuốc và gỗ quý, nhưng bà con bản Nậm Củng không khai thác rừng bừa bãi. Người dân nơi đây chỉ khai hoang đất ven rừng trồng lúa nương, trồng sắn, chăn thả gia súc quanh bìa rừng. Những năm gần đây, nhờ được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con có thêm thu nhập nên đời sống đủ đầy hơn.