Năm đầu tiên học chương trình mới: Học sinh lớp 9 thích nghi cách kiểm tra, đánh giá khác

Với việc tăng tính ứng dụng, thực tế, lứa học sinh lớp 9 lần đầu tiên áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cần thích nghi dần với cách kiểm tra, đánh giá khác so với trước.

Nhà trường thiết kế, dựng đề kiểm tra theo định dạng mới

Khác với các năm học trước, năm học 2024-2025, học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 lần đầu tiên áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới. Vì vậy, các nhà trường đã và đang thiết kế, dựng đề kiểm tra theo định dạng mới.

Cuối tháng 8/2024, phía Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cho kỳ thi này. Từ cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Điểm mới của đề minh họa năm học 2024-2025 là tăng cường các dạng thức trắc nghiệm, gồm: Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Khác so với các năm học trước, năm học 2024-2025, học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 lần đầu tiên áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới.

Khác so với các năm học trước, năm học 2024-2025, học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 lần đầu tiên áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới.

Nội dung đề thi cũng có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.

Ngoài ra, trong đề thi còn có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp mới là: Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Lịch sử và Địa lí.

Trước đây, 5 môn học này đứng đơn lẻ thì theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học được tích hợp thành 2 bộ môn, do đó đề thi cũng sẽ được thiết kế tích hợp.

Ở đề thi Khoa học Tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử và Địa lí cũng có 40 câu hỏi. Cấp độ tư duy của các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Với những điểm mới này, theo đánh giá của nhiều thầy cô đề thi sẽ đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”.

Các đề tự luận phù hợp với thời lượng 120 phút/môn, trắc nghiệm phù hợp với thời lượng 60 phút/môn. Nội dung các đề trải nhiều mạch nội dung và đơn vị kiến thức của từng môn, tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.

Đồng thời nhà trường cũng tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Song song với đó là việc xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, học tập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, khảo sát.

Nghiên cứu, thực hiện việc sử dụng ngữ liệu trong đề kiểm tra, khảo sát đảm bảo đúng quy định. Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Học sinh lo lắng tìm phương án thích nghi, đặc biệt là thi trường chuyên

Đã nắm được sự thay đổi trong chương trình cũng như được nhà trường và thầy cô hướng dẫn, tuy nhiên không tránh được những lo lắng đối với các em học sinh.

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 4 cấp Trung học cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên với học sinh lớp 9 lại là năm đầu tiên.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông.

Tại các trường đã triển khai kế hoạch và lộ trình học tập kết hợp ôn luyện nhằm củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh, đảm bảo các em được chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn sẽ luôn theo sát từng học sinh để kịp thời hỗ trợ, tư vấn phương pháp học tập hiệu quả.

Năm học này, các em sẽ thi theo chương trình mới nên có nhiều sự lo lắng

Năm học này, các em sẽ thi theo chương trình mới nên có nhiều sự lo lắng

Các em học sinh không tránh được những lo lắng bởi cũng có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước.

Em Trần Tú Linh, học sinh lớp 9, Trường THCS Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, điều em lo lắng là kỳ thi lớp 10 năm nay có quá nhiều thay đổi, nhất là thi trường chuyên. Thực tế học ở THCS, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên nhưng lên lớp 10 lại có các lớp chuyên đơn lẻ.

Vì thế năm nay, dự định của em sẽ thi vào THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam nhưng Tú Linh quyết định học thêm tất cả các môn tích hợp để không bị động.

Em Nguyễn Cao Cường (lớp 9 trường THCS Giảng Võ) cho hay, em đã được thầy cô và nhà trường hướng dẫn, phân tích và bản thân em cũng nghiên cứu kĩ 7 đề minh họa của Sở GD&ĐT.

"Em cũng hình dung ra cấu trúc đề, cũng như cách phân bổ như thế nào. Tuy nhiên, điều khó khăn là em muốn thi lớp chuyên Lý của trường THPT Chu Văn An nhưng trong môn Khoa học tự nhiên buộc học sinh phải học đều 3 môn Toán, Hóa, Lý để thi được đã”.

Hiểu được sự lo lắng của nhiều học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh - Hiệu phó một trường THPT trên địa bàn quận Hà Đông đưa ra lời khuyên: Việc thi theo chương trình mới là hợp lí, đồng thời phía Sở GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể và có cả cấu trúc đề thi rồi nên các em không phải lo lắng quá nhiều.

Cô cho biết tại các trường, thầy cô đã lên phương án hướng dẫn, đồng hành cụ thể từng bước cho các em nên có điều gì còn thắc mắc, các em cứ thẳng thắn trao đổi cũng như xin ý kiến các thầy cô để có một lộ trình học hoàn chỉnh nhất trong năm học này.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nam-dau-tien-hoc-chuong-trinh-moi-hoc-sinh-lop-9-thich-nghi-cach-kiem-tra-danh-gia-khac-d225705.html