Năm điểm nổi bật của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan đã diễn ra thành công giữa hàng loạt khủng hoảng và biến động trong khu vực và quốc tế.
Trang Fulcrum.sg của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), Singapore, ngày 8/8 đăng bài viết đánh giá về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Campuchia, trong đó cho rằng, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng và biến động trong khu vực, từ Eo biển Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar cho tới xung đột tại Ukraine.
Theo bài báo, có một số vấn đề quan trọng có thể rút ra từ kỳ họp AMM-55 lần này.
Tình hình Eo biển Đài Loan (Trung Quốc): Phép thử mới
Các chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới khu vực đã bắt đầu và kết thúc cùng thời điểm với kỳ họp AMM-55 kéo theo những đồn đoán về khả năng leo thang xung đột ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc).
Nhiều nhà phân tích chính trị, truyền thông và giới quan sát lo lắng về nguy cơ các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc dẫn đến tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng hoặc xung đột công khai với những hậu quả khó lường. Điều này sẽ có tác động đến Đông Nam Á.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dường như không bối rối và đã phản ứng bằng một tuyên bố độc lập kịp thời, nhanh chóng, lần đầu tiên về “Tình hình Eo biển Đài Loan”.
Tuyên bố đồng thuận bao gồm sự bày tỏ lo ngại về “những biến động trong khu vực” cũng như nguy cơ “tính toán sai lầm tiềm ẩn” và kêu gọi “kiềm chế tối đa”. Ngoài ra, còn có một sự lặp lại chắc chắn về sự ủng hộ đối với “chính sách Một Trung Quốc” của các quốc gia thành viên Hiệp hội.
Tuyên bố được coi là một nghệ thuật ngoại giao của ASEAN khi không đề cập từ ngữ nào liên quan đến chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi hay Trung Quốc.
Khủng hoảng Myanmar - gia tăng áp lực tập thể
Các diễn biến ở Myanmar đã được thảo luận rộng rãi trong hàng loạt cuộc họp. Phát biểu khai mạc AMM-55 của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gợi ý về định hướng của các cuộc thảo luận.
ASEAN đánh giá lại về tiến triển trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Thông cáo chung khuyến nghị đánh giá về sự tiến bộ trong thực hiện Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới để “định hướng quyết định về các bước tiếp theo”.
Đây cũng có thể được coi là khoảng thời gian gia hạn 3 tháng để chính quyền quân sự Myanmar thể hiện một số thiện chí đối với ASEAN. Một cuộc họp đặc biệt trước Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 có thể diễn ra để thảo luận về con đường phía trước, xem xét lại một cách tiếp cận mới đối với vấn đề Myanmar.
Mở rộng quan hệ đối ngoại
Về đối ngoại, 6 nước đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại lễ ký ngày 3/8.
Đơn xin tham gia TAC của Ukraine cũng được xem xét mà không vấp phải sự phản đối của bất kỳ bộ trưởng ngoại giao nào (Myanmar vắng mặt).
ASEAN đã trao quy chế Đối tác Đối thoại không đầy đủ (SDP) cho Brazil và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng với Na Uy, Pakistan, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiệp hội cũng đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên với Vương quốc Anh, đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN.
Quan trọng hơn, ASEAN cũng thông báo rằng mối quan hệ Đối tác Đối thoại với Mỹ và Ấn Độ sẽ được nâng lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào cuối tháng 11 (sau Trung Quốc và Australia năm 2021).
Vai trò chủ tịch của Campuchia
Với tư cách là chủ tọa của các cuộc họp trong khuôn khổ AMM-55, Campuchia đã điều phối một cách khéo léo.
Campuchia không chỉ nỗ lực đưa ra phản ứng kịp thời đối với những diễn biến căng thẳng ở khu vực mà còn nỗ lực đưa ra Thông cáo chung gồm 119 đoạn đề cập tất cả các điểm căng thẳng chính (Myanmar, Ukraine, Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) trước khi kết thúc tất cả các cuộc họp.
Điều đó thể hiện mức độ phối hợp mà nước chủ nhà đã tạo ra và quyết tâm đảm bảo rằng các cuộc thảo luận về Thông cáo chung này sẽ không phải tiến hành lại vào phút cuối.
Sự gia nhập của Timor-Leste: Có thể vào năm tới
Đơn xin gia nhập ASEAN của Timor-Leste dường như đã đạt được tiến triển tốt hơn với việc các Bộ trưởng ngoại giao đồng ý “đẩy nhanh” quá trình đăng ký trở thành thành viên của Timor-Leste.
Bộ trưởng Ngoại giao Timor-Leste Adaljiza Magno đã được mời tham gia hội nghị với tư cách khách mời và đã có một loạt cuộc gặp song phương với một số người đồng cấp bên lề hội nghị.
Nhìn chung, ASEAN đang đặt triển vọng để Timor-Leste gia nhập trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia năm 2023. Điều này sẽ mang tính biểu tượng và ý nghĩa cao vì hồ sơ đăng ký thành viên của Timor-Leste đã được đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia vào năm 2011.