Nam Định: 7 tháng giải ngân hơn 53% kế hoạch vốn đầu tư công

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cho thấy, đến cuối tháng 7, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 2.278 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch vốn.

Tỉnh Nam Định kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án chậm giải ngân. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Tỉnh Nam Định kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án chậm giải ngân. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bên cạnh một số dự án có tiến độ giải ngân đạt khá, vẫn còn một số dự án tỷ lệ giải ngân đạt thấp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cho biết tỷ lệ thấp này chủ yếu tập trung ở nguồn vốn ngân sách trung ương.

Cụ thể, nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương mới chỉ giải ngân được 864 triệu đồng trên tổng số 81,2 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 1,1% kế hoạch. Có 4 dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (từ nguồn điều chỉnh giảm vốn cho các dự án quan trọng quốc gia) đến nay chưa giải ngân được.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn một số dự án trọng điểm của tỉnh cũng chậm. Trong đó, đến nay chưa giải ngân 245 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, dự án này mới giải ngân 44,6 tỷ đồng trong tổng số 170 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao; chưa giải ngân 20 tỷ đồng vốn cho dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường...

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định - chủ đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh, không thể ngay lập tức thực hiện giải ngân toàn bộ dự toán mà phụ thuộc vào tiến độ từng hạng mục. Trong đó, quan trọng nhất là phải có khối lượng thực hiện, vì theo quy định hoàn thành hạng mục nào mới thanh toán hạng mục đó, thậm chí hoàn tất cả công trình mới được thanh toán dẫn đến nhiều nguồn vốn chưa được giải ngân.

Còn theo UBND tỉnh Nam Định, mấu chốt quan trọng để dự án có được khối lượng thực hiện đòi hỏi một chuỗi các thủ tục liên hoàn; trong đó hai phần việc mất nhiều thời gian và dễ vướng mắc là giải phóng mặt bằng và hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án (khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư, khâu lập kế hoạch đầu tư dự án).

Trong khi đó, chỉ cần một công đoạn nhỏ trong hai phần việc kể trên gặp trục trặc có nguy cơ lớn kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân một số công trình trọng điểm của tỉnh như: dự án Bệnh viện Đa khoa 700 giường, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, dự án Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Cùng với việc kiến nghị, đề xuất Chính phủ quan tâm sớm bố trí vốn cho các dự án có nguồn vốn ngân sách trung ương, UBND tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo chủ đầu tư có kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết và cam kết về tiến độ giải ngân của từng dự án; trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, khẩn trương rà soát, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xem xét đề xuất điều chuyển chủ đầu tư dự án.

Đặc biệt, các sở, ban, ngành, các địa phương chủ động phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; xác định kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của cán bộ, công chức đã được phân công theo dõi. Đối với trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-11/nam-dinh-7-thang-giai-ngan-hon-53-ke-hoach-von-dau-tu-cong-90795.aspx