Nam Định: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đi đôi với phát triển kinh tế biển bền vững
Nam Định có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển bền vững, đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sáng 1-4, Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2025.
Giá trị sản xuất thủy sản đạt 12.000 tỉ đồng
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở NN&MT Trần Đức Việt cho biết, tỉnh Nam Định có 72 Km đường biển và 4 con sông lớn chảy qua, nguồn lợi thủy sản đa dạng phong phú, một số loài có giá trị kinh tế cao.
Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 202.580 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 12.000 tỉ đồng chiếm 30,6% tỷ trọng cơ cấu ngành nông lâm, lâm nghiệp và thủy sản.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2025.
Cũng theo ông Việt trong những năm qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có chuyển biến tích cực khi được cộng đồng lẫn ngư dân quan tâm, hưởng ứng.
Chi Cục thủy sản và Kiểm ngư đã tổ chức vận động tuyên truyền ngư dân ký cam kết không vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng cách thả hàng triệu con giống thủy sản xuống các lưu vực sông trên địa bàn.
Hiện nay các ngành chức năng liên quan đã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời tổ chức các đợt phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông, hồ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Phó Giám đốc Sở NN&MT Trần Đức Việt phát biểu tại buổi lễ.
Tuy nhiên theo ông Việt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra, tàu cá vẫn lén lút sử dụng điện khai thác thủy sản, khai thác ở những khu vực cấm khai thác, sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt làm giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Hiện nay, Sở NN&MT tỉnh Nam Định đang triển khai tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng động và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực như tham gia thả giống tái tạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế bền vững, đồng thời ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Mỗi năm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, người dân Nam Định đã thả hàng triệu con giống thủy sản xuống các lưu vực sông trên địa bàn.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản trái phép
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, Nam Định có tiềm năng, lợi thế phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã tích cực triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tái tạo phục hồi, các hoạt động khai thác thủy sản, phát triển sản xuất thủy sản ngày càng bền vững hơn. Hàng năm giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 3 đến 5% hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định khẳng định, Nam Định tiếp tục ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại buổi lễ, ông Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan, cần có những hành động thiết thực hơn từ tuyên truyền, giáo dục cộng đồng đến tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi khai thác thủy hải sản trái phép, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản và thúc đẩy các mô hình bền vững. Tiếp tục phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các đơn vị liên quan phối hợp quản lý hoạt động nghề cá, phòng ngừa, ngăn chặn phát hiện xử lý các hành vi xâm hại nguồn lợi, môi trường thủy sản và khai thác bất hợp pháp, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới biển.
Tiếp tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp tổ chức, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phối hợp xử lý hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn. Qua đó góp phần khai thác nuôi trồng, phát triển kinh tế biển bền vững mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngay sau Lễ phát động, Chi Cục Thủy sản – Sở NN&MT tỉnh Nam Định phối hợp với các đơn vị thả hơn 1 tấn cá giống như cá trôi, chép, trắm… xuống sông Hồng tại Bến phà Tân Đệ, xã Mỹ Tân, TP. Nam Định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định ông Trần Anh Dũng thả cá giống thủy sản xuống sông Hồng ngay sau lễ phát động.

Chính quyền địa phương, cùng người dân tham gia thả cá giống tại Bến phà Tân Đệ (cũ) nối đôi bờ sông Hồng giữa hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Ông Hoàng Mạnh Hà (giữa), Chi Cục trưởng Thủy sản Nam Định cũng lãnh đạo Biên phòng, Công an Nam Định thả cá... tái nguồn lợi thủy sản.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định tham gia thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đoàn viên thanh niên tham gia thả cá giống sau buổi lễ phát động.

Một người dân nở nụ cười mãn nguyện khi thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.