Nam Định: Cá cảnh Mỹ Thắng vào mùa

Gần đến ngày 23 tháng Chạp cũng là lúc thị trường cá cảnh bắt đầu nóng.

Làng Kim (xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc) là một trong những làng phát triển mạnh nghề nuôi cá cảnh, trong đó nhiều nhất là loại cá chép cảnh, cá ông Công và cá vàng 4 đuôi. Đây là những loại cá được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết ông Công, ông Táo.

Với 286 hộ trong đó có gần 40 hộ nuôi cá cảnh, khu nuôi trồng thủy sản làng Kim hiện có diện tích lên tới gần 15 ha. Ngoài nuôi cá cảnh được tiêu thụ nhiều vào dịp ông Công, ông Táo, các hộ ở đây còn nuôi cá trắm đen thịt và trắm đen giống để bán ra thị trường quanh năm.

Cá cảnh được gây giống và bắt đầu nuôi từ đầu năm, tới cuối năm đã có thể thu hoạch để phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết, đặc biệt là Tết ông Công, ông Táo. Cá cảnh có rất nhiều loại như cá Tai Tượng, cá Hồng La Hán, cá Đô La, cá Tài Phát... song các loại cá này khó nuôi, giá cả đắt nên chủ yếu ở đây chỉ nuôi loại cá chép cảnh, cá ông Công và cá vàng 4 đuôi là những loại cá có màu sắc đẹp, bắt mắt, sống khỏe, có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, giá cả hợp lý, phù hợp với đại đa số khách hàng.

Anh Trần Văn Hiền - gia đình có diện tích ao cá lớn nhất làng cho biết: "Gia đình tôi có hơn 2ha với 2 vạn con cá chép cảnh và cá vàng 4 đuôi đã được khách buôn mua hết. Năm nay giá cá cảnh tăng hơn so với năm ngoái đến 20%. Cụ thể: Cá chép cảnh 1 năm 2-3 lạng/con giá 100.000 đồng/kg, tăng hơn so với năm ngoái 40.000 đồng/kg; cá chép cảnh 1-2 kg/con có giá 120.000-130.000 đồng/kg, tăng hơn so với năm ngoái 50.000 - 60.000 đồng/kg; cá vàng 4 đuôi 180.000/kg (12-13 con/kg), tăng hơn so với năm ngoái 40.000 đồng/kg".

Khác với nhiều loại mặt hàng, cá chép cảnh được tiêu thụ nhiều và gần như duy nhất một ngày 23 tháng Chạp. Do đó thường từ 15 tháng Chạp, khách buôn bắt đầu tới mua nhưng phải tới ngày 20 - 21 tháng Chạp mới bắt đầu đánh bắt và vận chuyển tùy thuộc vào các tỉnh xa hay gần. Không những vậy, vì là loại mặt hàng gần như chỉ được tiêu thụ nhiều nhất trong một ngày nên các khách buôn không muốn lấy sớm vì sợ môi trường thay đổi cá sẽ yếu và dễ chết.

Theo chị Nguyễn Thị Hoa, một khách hàng tới mua cá thì do quan niệm có từ lâu đời của người miền Bắc vào ngày 23 tháng chạp khi ông Công, ông Táo lên thiên đình phải cưỡi cá chép do chỉ có cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời nên sức mua loại mặt hàng này rất mạnh.

Thùy Dung

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120116082194p0c1000/nam-dinh-ca-canh-my-thang-vao-mua.htm