Nam Định cam kết gì với nhà đầu tư về nguồn lao động?
Số lượng và chất lượng nguồn lao động là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khi xúc tiến đầu tư tại Nam Định.
Nhà đầu tư mong muốn có nguồn lao động tốt
Thời gian gần đây nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn về Nam Định tìm hiểu, thậm chí quyết định đầu tư dự án tại địa phương. Mới đây, Tập đoàn nhôm Kam Kiu, Hồng Kông (Trung Quốc) do ông Harley Lei, Chủ tịch Tập đoàn làm Trưởng đoàn về xúc tiến đầu tư tại tỉnh Nam Định.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Harley Lei cho hay, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng 12-20 ha đất để đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện nhôm cho các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh (điện thoại, màn hình máy tính, loa, đồng hồ) và phụ tùng ô tô với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Tập đoàn đã tìm hiểu kỹ tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và thống nhất quyết định sẽ đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định. Tập đoàn mong muốn đến tháng 5/2025 sẽ hoàn tất đầu tư nhà máy và đưa vào vận hành, sản xuất.
Trước đó, Tập đoàn Chung Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có cuộc xúc tiến hợp tác đầu tư tại tỉnh Nam Định. Theo ông Hồ Tiểu Phong - Phó Chủ tịch Tập đoàn Chung Nam, Tập đoàn có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất cụm camera, mắt kính trước và sau của điện thoại, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 triệu USD.
Tập đoàn đã tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận và cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực đáp ứng nguồn lao động, hạ tầng điện, hạ tầng xử lý nước thải... của tỉnh.
Từ đầu năm tới nay, Nam Định đã hấp dẫn khá nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Bên cạnh hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và hạ tầng xử lý nước thải, nguồn lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.
Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp “có ý định” hoặc “đang tìm hiểu” cơ hội đầu tư tại Nam Định, thời gian qua một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động như: Nhà máy sản xuất vải TOP TEXTILES công suất 60 triệu mét vải/năm tại khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho 1.800 lao động; hay dự án nhà máy Xuân Trường II chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu chất lượng cao dự kiến cuối năm 2024 sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.000 lao động… Chưa kể một số dự án lớn đang thi công và chuẩn bị đi vào hoạt động cần một lượng lớn lao động trong thời gian tới. Do vậy, chất lượng, số lượng nguồn lao động tại Nam Định là vấn đề cần quan tâm.
Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng lao động cho các nhà đầu tư
Tại các cuộc làm việc với những nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Nam Định luôn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về đảm bảo nguồn lao động cho các dự án.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Chung Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định- Phạm Gia Túc khẳng định, Nam Định có dân số gần 2 triệu người, nguồn nhân lực trẻ dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số); trong đó lao động có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn.
Đặc biệt, 30 năm liên tục tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, hiện Nam Định có lượng lớn người dân đang đi làm ở các tỉnh, thành lân cận, nếu có doanh nghiệp đầu tư tại Nam Định sẽ sẵn sàng quay về quê hương làm việc để thuận tiện sinh sống, chăm sóc gia đình.
Về nhà ở cho người lao động, lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng thông tin, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chuẩn bị đầu tư khu thiết chế công đoàn ngay gần Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Nam Định đang tích cực hoàn tất đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô hiện đại, kết nối với các bệnh viện quốc gia, quốc tế đảm bảo cung ứng tốt nhất dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân trong và ngoài tỉnh.
Vì vậy, tỉnh Nam Định cam kết đáp ứng về chất lượng, số lượng người lao động theo nhu cầu nhà đầu tư. Đồng thời, cung cấp đầy đủ lượng điện phục vụ sản xuất; hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp.
Tỉnh đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tỉnh sẽ giao ngành chức năng liên quan trực tiếp làm việc, hỗ trợ nhà đầu tư khi quyết định đầu tư dự án tại Nam Định.
Chia sẻ cụ thể hơn về cơ cấu lao động của tỉnh, ông Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định cho hay: Dân số của tỉnh Nam Định (thường trú) hết tháng 6/2024 là 1.889.740 người, lực lượng lao động khoảng 1. 070 .000, chiếm hơn 1 nửa. “Đặc biệt, tỷ lệ lao động, lao động có đào tạo tăng, chỉ tiêu lao động có bằng cấp chứng chỉ chiếm khoảng 23%”, ông Ty nhấn mạnh.
Trong cơ cấu lao động, lao động nông nghiệp khoảng 29,2%, công nghiệp xây dựng là 41,8%, riêng lực lượng lao động công nghiệp chiếm khoảng 30%, gồm lao động trong doanh nghiệp và lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Hiện lao động công nghiệp dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi chiếm khoảng 50%. Hầu hết các ngành đó năng suất lao động và gi trị gia tăng thấp. Vì thế tỉnh chủ trương không thu hút đầu tư vào ngành dệt may, da giày trừ ở những vùng khó khăn, ưu tiên đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Khi đó sẽ có sự chuyển dịch lao động từ khu vực thu nhập thấp sang khu vực thu nhập cao, giúp nâng cao chất lượng sống cũng như trình độ người lao động.