Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong các cơ sở giáo dục

Thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và điều hành.

Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tập trung thực hiện, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025”.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên) trong một giờ học Tin học.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên) trong một giờ học Tin học.

Thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong CĐS, CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết các hồ sơ, thủ tục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm Sở GD-ĐT đều có hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và học tập tại cơ sở như: Kiện toàn tổ chức, bộ phận phụ trách CNTT của đơn vị; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và CĐS; ban hành quy chế quản lý, phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, vận hành và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh về thông tin khi triển khai các ứng dụng, các hệ thống về CNTT; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò của ứng dụng CNTT và CĐS trong các hoạt động GD và ĐT; tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng về CNTT cho đội ngũ nhà giáo; triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và quản lý giáo dục; triển khai các ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục; triển khai hạ tầng, thiết bị CNTT và các điều kiện đảm bảo khác.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ công tác chuyên môn, lựa chọn những giải pháp CNTT chất lượng, đặc biệt đối với các phần mềm phục vụ công tác quản lý giáo dục và phần mềm dạy học.

Sở GD-ĐT cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác CCHC; kịp thời cập nhật, rà soát, niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) đã được sửa đổi, bổ sung lên Cổng Thông tin điện tử của Sở, Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công..., để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về CCHC nói chung và TTHC nói riêng.

Cung cấp địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan Sở và đơn vị trực thuộc, đăng tải ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân về các quy định TTHC và kết quả trả lời của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tin tức sự kiện trong ngành lên Cổng Thông tin điện tử của Sở và các đơn vị...

Với những nỗ lực đó, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện hoạt động CĐS, CCHC trong các cơ sở giáo dục. Hiện 100% cơ sở giáo dục đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (Vnedu của VNPT và Smart của Viettel) hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến là người học; phần mềm quản trị nhà trường đã đáp ứng về quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ GD-ĐT và kết nối trao đổi liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

Thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ do UBND tỉnh giao đảm bảo đúng tiến độ, nhất là thực hiện triển khai dịch vụ công thiết yếu: đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Sở GD-ĐT được UBND tỉnh đánh giá đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ (5 nhiệm vụ) của ngành Giáo dục. Hoàn thành thu thập, hoàn chỉnh thông tin định danh cá nhân của học sinh, giáo viên trên cơ sở dữ liệu GD-ĐT để xác thực, định danh, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% tài khoản định danh cá nhân của học sinh, giáo viên đã xác thực, định danh, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Năm học 2022-2023, Sở đã tập huấn phổ biến kiến thức về CĐS, triển khai các giải pháp, ứng dụng CNTT, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực GD-ĐT tới tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh. 100% trường học trực thuộc Sở đã triển khai thu học phí và một số khoản thu khác qua tài khoản ngân hàng; các cơ sở giáo dục trực thuộc các huyện, thành phố đã bước đầu triển khai.

Đã cấp tài khoản Office 365 cho 100% trường phổ thông; tổ chức hội thảo và tập huấn về ứng dụng CNTT vào quản trị nhà trường. Hiện nay, mỗi tài khoản giáo viên đều có thể tổ chức dạy học trực tuyến có bản quyền (MS Team) do vậy các nhà trường sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy trực tuyến khi dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt.

Phát động và tổ chức thành công Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định (với tổng số là 1.526 sản phẩm) và tham dự Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số do Bộ GD và ĐT tổ chức. Kết quả chung cuộc, tỉnh Nam Định xếp thứ Nhất toàn quốc, đạt 31/154 giải của cuộc thi (2/5 giải Nhất; 4/10 giải Nhì; 8/50 giải Ba và 17/89 giải Khuyến khích).

Căn cứ các Quyết định công bố của Bộ GD-ĐT và tình hình thực tế tại địa phương, Sở GD-ĐT đã chủ động, kịp thời tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC các cấp; đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi quy trình nội bộ giải quyết các TTHC.

Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát, xây dựng và trình UBND tỉnh công bố 2 TTHC nội bộ lĩnh vực GD-ĐT. Việc tham mưu ban hành Quyết định công bố Danh mục TTHC, TTHC nội bộ, quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế của địa phương.

Công bố danh mục, niêm yết công khai 84 TTHC (100%) thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh, giải quyết của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; đăng tải trên Cổng http://namdinh.edu.vn và http://dichvucong.namdinh.gov.vn. Hiện tại, trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Sở đã cung cấp 73/84 thủ tục, đạt tỷ lệ 87,0% TTHC mức độ 4; 11/84, đạt tỷ lệ 13,0% TTHC mức độ 2. 100% các hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ tồn đọng, quá hạn.

Việc đẩy mạnh CĐS, CCHC trong các cơ sở giáo dục, phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập hiện đang rất cần thiết, phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để việc thực hiện CĐS, CCHC thực sự hiệu quả, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc đẩy mạnh CĐS, CCHC; tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về CĐS, CCHC. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn, đơn vị làm tốt.

Theo Minh Thuận (Báo Nam Định)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nam-dinh-day-manh-chuyen-doi-so-cai-cach-hanh-chinh-trong-cac-co-so-giao-duc-2209028.html