Nam Định: Để 'chó thả rông cắn người', Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm
Đó là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định trong văn bản phát đi chiều nay (5/7), về việc 'tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật'.
Tuyên truyền về “tính chất nguy hiểm của bệnh dại”
Cụ thể, trong văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh, UBND tỉnh Nam Định nhìn nhận “hiện nay, thời tiết đang trong cao điểm mùa nắng nóng nên virus dại phát triển mạnh và nguy cơ người dân bị chó cắn, lây lan bệnh dại từ động vật sang người rất cao. Theo phản ánh của người dân, ở nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng chó thả ra đường không có sự quản lý của người nuôi và tình trạng chó cắn người.
Để chủ động phòng, chống, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 299/UBND-VP3 ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
“Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện việc khai báo, đăng ký chó nuôi với chính quyền cấp xã; chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông chó; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, có dây xích và có người dắt chó; tổ chức bắt và xử lý nghiêm các trường hợp chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư theo quy định”, UBND tỉnh Nam Định
Trong đó, bằng mọi hình thức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, các quy định về quản lý đàn chó nuôi và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đặc biệt là trách nhiệm của người nuôi chó, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để xảy ra tình trạng chó cắn người và lây lan bệnh dại.
Tổ chức bắt và xử lý nghiêm các trường hợp chó thả rông
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo chính quyền cấp dưới phải tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi theo quy định.
“Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện việc khai báo, đăng ký chó nuôi với chính quyền cấp xã; chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông chó; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, có dây xích và có người dắt chó; tổ chức bắt và xử lý nghiêm các trường hợp chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư theo quy định”, UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu phải “rà soát, tiêm phòng bổ sung vaccine dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt ít nhất 80% tổng đàn nhằm ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, lây lan”.
Cùng với đó, tổ chức giám sát, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y, y tế các trường hợp chó, mèo cắn người và chó, mèo nghi mắc bệnh dại để phối hợp xử lý kịp thời.
Tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại theo quy định của pháp luật; thêm rằng “Chủ tịch UBND các huyện/thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã/phường/thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu còn để xảy ra tình trạng chó thả rông cắn người”.
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc chỉ đạo thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức quản lý đàn chó, kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại về UBND tỉnh, qua Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/7/2023.